Dân Việt

TP.HCM: Tỷ lệ trẻ đến trường tăng, số ca F0 trong trường học cũng tăng mỗi ngày

Bạch Dương 17/02/2022 17:41 GMT+7
Tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế chiều 17/2, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM đã thông tin nhanh về 5 ngày đi học trực tiếp của học sinh toàn thành phố.
TP.HCM: Tỷ lệ trẻ đến trường tăng, số ca F0 trong trường học cũng tăng mỗi ngày - Ảnh 1.

Ông Trịnh Duy Trọng, Sở GD-ĐT TP.HCM. Ảnh: Thành Nhân

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP cho biết, tính từ ngày 14/2, khi trẻ mầm non, tiểu học và lớp 6 trực tiếp đi học, tỷ lệ trẻ đến trường đã tăng dần. Đến hôm nay (17/2), tỷ lệ trẻ mầm non đến trường đạt 66,33%, tiểu học 95,99%, THCS 96,89%, THPT 98,93%.

Nhận định chung cho thấy, các trường tổ chức nhiều hoạt động đón trẻ, tương tác tốt với trẻ nên tránh được sự bỡ ngỡ khi trẻ lần đầu đén trường. Công tác phòng chống dịch được triển khai đúng kế hoạch, có sự hỗ trợ chặt chẽ của y tế địa phương nên xử lý kịp thời, đúng quy trình khi có F0.

Đáng chú ý, số ca F0 trong trường học có dấu hiệu tăng nhẹ mỗi ngày. Ngày 14/2, toàn thành phố có 27 F0 trong trường học. Ngày 15/2: 50 F0. Ngày 16/2: 86 F0, dự kiến hôm nay số F0 sẽ tiếp tục tăng nhẹ.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP cho biết, đối với học sinh tiểu học là F0, F1, theo đúng quy định của Bộ Y tế vẫn phải cách ly 14 ngày. Đây là đối tượng chưa tiêm vaccine nên vẫn phải áp dụng chặt việc cách ly. Bên cạnh đó, Sở đặc biệt lưu ý và tầm soát kỹ đối tượng bảo mẫu tiếp xúc trực tiếp khi chăm sóc trẻ.

Trước thông tin nhiều trường tiểu học không tổ chức bán trú gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh, ông Trọng cho biết, Sở không cấm, thậm chí khuyến khích các trường tổ chức căng tin, bán trú để đảm bảo thuận lợi cho phụ huynh và học sinh. Sở GD-ĐT đã phối hợp Sở Y tế tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyên sâu về tổ chức bán trú an toàn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, có những cơ sở chưa thể thực hiện được ngay, do phải chuẩn bị kỹ hơn về điều kiện cơ sở vật chất.

"Phụ huynh nên chia sẻ với nhà trường, phải đảm bảo đúng yêu cầu phòng chống dịch và đáp ứng ngay một số lượng lớn học sinh là tương đối khó, cần có thêm thời gian", ông Trọng nói.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về tình hình mở cửa trường học sáng 17/2, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin, Thành phố đã thí điểm cho học sinh cuối cấp THCS, THPT đã tiêm vaccine được đi học lại từ tháng 12/2021. Tháng 1/2022, học sinh từ lớp 7 đã trở lại trường, và từ ngày 14/2, học sinh tất cả các khối lớp đã đi học trở lại. Đến nay, tỷ lệ học sinh đến lớp, từ lớp 6 trở lên, đạt trên 93%; 72% phụ huynh đồng thuận cho học sinh mầm non đến trường.

Song song với việc học trực tiếp, các trường học ở TP.HCM vẫn tiếp tục duy trì các hình thức học trực tuyến đối với những em chưa có điều kiện đi học trở lại.

TP.HCM: Tỷ lệ trẻ đến trường tăng, số ca F0 trong trường học cũng tăng mỗi ngày - Ảnh 3.

Trẻ mầm non đến lớp tại Trường mầm non phường 15 quận 10. Ảnh: Hoàng Lan

"Việc đưa trẻ trở lại trường ở TP.HCM dựa trên nguyên tắc linh hoạt, tổ chức dạy học trực tiếp phải diễn ra liên tục, ổn định, tạo được sự yên tâm cho phụ huynh; xử lý ca nhiễm phát sinh hiệu quả, khoanh gọn nhất, tác động ít nhất. Đáng chú ý, đến nay, trong số học sinh nhiễm Covid-19, chưa có trường hợp nào chuyển nặng", ông Dương Anh Đức cho biết.

Trước đó, UBND TP đã có chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế xây dựng kịch bản ứng phó khi có trường hợp nhiễm Covid-19 trong trường học, chọn một số cơ sở giáo dục tổ chức diễn tập, ghi hình, sử dụng tuyên truyền để các cơ sở giáo dục khác tham khảo và áp dụng. Bên cạnh đó, hai Sở có kế hoạch chuẩn bị và phân bổ bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (test nhanh) cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện xét nghiệm tầm soát ca nghi nhiễm khi dạy học trực tiếp.