Thông tin mới nhất của Bộ GDĐT, hiện nay, có 54-63 tỉnh thành lần lượt cho học sinh các cấp đi học trực tiếp trở lại sau thời gian dài học online ở nhà. Việc đi học lại của học sinh được nhiều phụ huynh ủng hộ, tuy nhiên điều này lại đẩy cha mẹ vào thế... khó. Bởi vì học sinh đi học chỉ 1 buổi rồi về mà không tổ chức hoạt động ăn bán trú.
Cụ thể tại Hà Nội sau Tết Nguyên đán, học sinh khối 7-12 các quận huyện đi học từ ngày 8/2 và học sinh khối 1-6 cũng lần lượt được đi học trở lại. Thế nhưng Sở GDĐT đã lưu ý, các trường tổ chức học theo kế hoạch nhưng không tổ chức ăn bán trú.
Cũng liên quan đến việc mở lớp bán trú, căng tin trong trường tiểu học, Sở GDĐT TP.HCM cho hay có nhiều trường báo cáo sẽ mở lớp bán trú ngay trong tuần đầu tiên học sinh đi học lại. Còn một số trường chưa kịp thực hiện bán trú từ ngày 14/2 thì dự kiến sẽ thực hiện từ ngày 21/2. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh yên tâm đi làm.
Nhiều phụ huynh cho biết, nếu con không ăn bán trú thì không biết xoay xở thế nào khi phải nghỉ làm giữa chừng về đón con và bố trí người trông con buổi còn lại. Thậm chí phụ huynh nào có 2 con đã bắt đầu chóng mặt vì ngày 4 lượt đưa đón con.
Câu hỏi mọi người đặt ra là có nên tổ chức cho học sinh ăn bán trú không và nếu học sinh ăn bán trú thì nguy cơ lây dịch Covid-19 thế nào...?
Nên tổ chức cho học sinh ăn bán trú
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nêu quan điểm: "Nếu đã mở trường thì phải tổ chức ăn trưa cho học sinh".
TS Hùng lý giải, nguy cơ lây nhiễm trong môi trường giáo dục sẽ thấp hơn ngoài cộng đồng và học sinh ở trường lây nhiễm ít hơn so với trẻ ở nhà. Bên cạnh đó, việc học nửa buổi hay cả ngày không có nhiều khác biệt. Nếu học sinh giữ khoảng cách tốt thì học 4-5 tiếng với nhau khó có thể lây lan dịch bệnh ra cả lớp.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi tổ chức ăn bán trú, TS Hùng cho biết: "Thực tế việc tổ chức ăn bán trú sẽ gặp khó khăn trong phòng chống dịch vì học sinh không được mang khẩu trang và điều kiện nhà ăn, chỗ nghỉ trong các trường học hầu hết không rộng rãi để thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, các trường có thể khắc phục bằng cách bố trí cho các em ăn lệch giờ. Ví dụ nhóm đầu ăn trước so với nhóm sau 30 phút. Giáo viên nhắc nhở học sinh khi ăn không được nói chuyện, cười đùa, rửa tay trước và sau khi ăn, các đồ dùng phải vệ sinh đảm bảo. Nhà ăn phải để thông thoáng, không được đóng kín...
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM cũng cho hay: "Học sinh đi học ở với nhau 4 tiếng thì nguy cơ cũng bằng với việc ở thêm, ăn chung và ngủ chung".
Theo bác sĩ Khanh, nên để cho nhà trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Tuy nhiên, cần phải lưu ý quan trọng là không để nhóm này và nhóm khác khi ăn chung, ngủ chung, chơi chung. Nếu được như vậy thì việc học sinh ăn bán trú hay học 1 buổi sẽ an toàn như nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.