Dân Việt

Nuôi loài chim chung thuỷ, thích ăn lúa, cặp vợ chồng Quảng Trị lãi 200 triệu/năm

Ngọc Vũ 22/02/2022 13:09 GMT+7
Từ chỗ không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, nhờ nuôi bồ câu – loài chim chung thuỷ, thích ăn lúa, đôi vợ chồng U40 ở tỉnh Quảng Trị lãi 200 triệu đồng mỗi năm.

Lãi 200 triệu đồng mỗi năm

Đầu năm mới Nhâm Dần 2022, PV Dân Việt cùng anh Trần Vũ Minh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị thăm trại nuôi bồ câu Pháp của vợ chồng anh Trần Văn Định và chị Lê Thị Thanh Thuý (khu phố 7, thị trấn Cam Lộ).

Nuôi loài chim chung thuỷ, thích ăn lúa, đôi vợ chồng lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Chị Thuý được anh Trần Vũ Minh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ động viên, ủng hộ. Ảnh: Ngọc Vũ.

Tiếp chúng tôi với nụ cười tươi, chị Thuý cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, đơn hàng nhiều nên anh Định đi giao liên tục. Thị trường tiêu thụ bồ câu Pháp của chị chủ yếu là các siêu thị, cơ sở bán cháo dinh dưỡng… trong tỉnh.

"Đầu ra thoải mái, không đủ hàng để bán. Nhờ nuôi bồ câu Pháp gia đình tôi thoát cảnh cơ hàn" – chị Thuý chia sẻ.

Nhắc đến cái duyên với bồ câu Pháp, chị Thuý nhớ lại, trước đây anh Định, chồng chị từng vào tỉnh Đồng Nai để làm công nhân. Với bản tính siêng năng, cần cù, cứ thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ, anh Định lại đi thăm thú xung quanh để tìm tòi, học hỏi những cái mới, điều hay.

Thế rồi cơ duyên đến khi anh Định gặp một trại nuôi bồ câu Pháp hiệu quả, thu nhập khá. Thấy anh Định ham học hỏi, chủ trại bồ câu Pháp cảm mến, chỉ dẫn tận tình kỹ thuật nuôi.

Sau một thời gian, năm 2010, anh Định bỏ việc làm thuê, trở về nhà, cùng vợ quyết tâm khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Nuôi loài chim chung thuỷ, thích ăn lúa, đôi vợ chồng lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Chuồng nuôi bồ câu Pháp của chị Thuý có hệ thống nước uống tự động, máng ăn được vệ sinh thường xuyên. Ảnh: Ngọc Vũ.

Với số vốn ban đầu ít ỏi, vợ chồng anh Định chỉ mua 100 cặp bồ câu giống về nuôi thử nghiệm.

Sau khi tích luỹ được kinh nghiệm, được Hội Nông dân huyện cho vay thêm vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân, vợ chồng anh Định đã mở rộng quy mô nuôi.

Chị Thuý cho biết, nông dân lập nghiệp, cái khó nhất là kinh nghiệm và nguồn vốn đầu tư ban đầu. Rất may, vợ chồng chị nhận được sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần của hội nông dân, lấy đó làm động lực phấn đấu, vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, để rồi đi đến thành công.

Nuôi loài chim chung thuỷ, thích ăn lúa, đôi vợ chồng lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Khi xảy ra lũ lụt, chị Thuý chỉ cần kéo ròng rọc là có thể đưa hệ thống chuồng lên cao một cách dễ dàng. Có được điều đó là nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Cam Lộ. Ảnh: Ngọc Vũ.

Mới đây, sau trận lũ lớn, trại nuôi bồ câu của chị Thuý bị ngập 1,5 mét, gây thiệt hại. Hay tin, Hội Nông dân huyện Cam Lộ nhanh chóng đến thăm hỏi, động viên và tìm nguồn hỗ trợ chị Thuý 30 triệu đồng làm hệ thống ròng rọc, kết nối 4 dãy chuồng nuôi lên mái chuồng trại. Khi xảy ra ngập lũ, chị Thuý chỉ cần kéo ròng rọc là chuồng bồ câu được đưa lên cao, không còn nỗi ám ảnh lũ lụt như trước đây.

"Hội nông dân các cấp huyện Cam Lộ quan tâm hội viên từng li từng tí một như vậy đó, ấm lòng lắm" – chị Thuý nói.

Sau 12 năm khởi nghiệp, nay trại nuôi bồ câu Pháp của chị Thuý đã có diện tích 300m2 với 4 dãy chuồng, mỗi dãy 3 tầng, nuôi 500 cặp bồ câu bố mẹ để sinh sản bồ câu thịt. Mỗi năm, đôi vợ chồng U40 này có lãi 200 triệu đồng.

Bồ câu dễ nuôi, đầu ra ổn định

Dẫn chúng tôi thăm trại bồ câu Pháp của mình, chị Thuý cho biết, so với các loại gia cầm thì bồ câu Pháp ít bệnh, ăn ít hơn nên tiết kiệm chi phí. Chị Thuý cho bồ câu ăn lúa, đặc biệt không dùng kháng sinh, thuốc phòng bệnh.

"Có một số người nói tiêm kháng sinh thì bồ câu sẽ không bị bệnh, tỷ lệ sống 100%, nhưng mình không tiêm. Bởi tiêm vào, có lợi cho mình nhưng có hại cho người ăn. Chăn nuôi hay làm gì cũng vậy, phải đặt cái tâm lên trên hết, trước hết. Lợi mình hại người thì vợ chồng tôi nhất quyết không làm" – chị Thuý tâm sự.

Nuôi loài chim chung thuỷ, thích ăn lúa, đôi vợ chồng lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Chị Thuý cho bồ câu Pháp ăn lúa, không dùng thuốc kháng sinh, phòng bệnh để đảm bảo cho người ăn. Ảnh: Ngọc Vũ.

Với kinh nghiệm nuôi bồ câu Pháp của mình, chị Thuý cho biết, trại nuôi bồ câu Pháp phải thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, đặc biệt là phải sạch sẽ.

Bồ câu từ khi nhỏ đến lúc sinh sản mất khoảng 6 tháng, mỗi con sinh sản 8-9 lứa/năm, mỗi lứa thường 2 trứng, con nào đặc biệt thì 3 trứng.

Sau khi bồ câu sinh xong, chị Thuý lấy trứng cho vào lò ấp để tỷ lệ nở cao hơn, thay vào đó sẽ đưa trứng giả cho bồ câu mẹ cảm thấy không bị mất trứng. Sau khi trứng nở, chị Thuý trả con cho bồ câu bố mẹ chăm sóc. 45 ngày sau có thể xuất bán với giá khoảng 120.000 đồng/cặp.

Nuôi loài chim chung thuỷ, thích ăn lúa, đôi vợ chồng lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 5.

Chị Thuý dùng trứng giả đổi trứng thật đưa vào lò ấp. Sau khi trứng nở mới trả con cho bồ câu bố mẹ chăm sóc. Ảnh: Ngọc Vũ.

Chị Thuý cho hay, bồ câu là loại chim chung thuỷ. Khi một trong hai con bồ câu trống, hoặc mái chết đi, con còn lại rất buồn. Nếu vội vàng ghép đôi với một con khác thì chắc chắn sẽ xảy ra chiến tranh, cắn nhau dữ dội.

"Trước đây mình không biết, thấy một con cái bị chết, mình vội ghép đôi mới cho con trống. Vừa ghép được một lúc thì con cái bị con trống cắn chết. Sau này rút kinh nghiệm, khi một trong hai con chết thì phải để một thời gian cho chúng nguôi ngoai nỗi buồn, sau đó cho một con khác lại gần nhưng ở hai lồng khác nhau. Nếu thấy chúng hợp nhau mới cho ở chung" – chị Thuý chia sẻ.

Nuôi loài chim chung thuỷ, thích ăn lúa, đôi vợ chồng lãi 200 triệu đồng mỗi năm - Ảnh 6.

Bồ câu là loài chim chung thuỷ, thích ăn lúa. Ảnh: Ngọc Vũ.

Anh Trần Vũ Minh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ cho biết, xu hướng hiện nay và tương lai là nuôi trồng hữu cơ, đảm bảo vệ sinh môi trường, chiếm diện tích ít nhưng cho ra sản phẩm năng suất, chất lượng cao. Mô hình nuôi bồ câu Pháp của vợ chồng chị Thuý đang đi đúng hướng. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục huy động các kênh hỗ trợ vốn vay cho hội viên phát triển kinh tế theo hướng xanh – sạch – chất lượng cao.

Ông Trần Văn Bến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đánh giá, Hội Nông dân huyện Cam Lộ là đơn vị đi đầu trong công tác hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, hình thành các mô hình hay, hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.

"Tôi tin rằng, với tâm huyết, sự năng động, sáng tạo của các cấp Hội Nông dân ở huyện Cam Lộ, sẽ có thêm nhiều hội viên kinh doanh sản xuất giỏi, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương" – ông Bến nói.

Trại nuôi 1.000 con bồ câu của vợ chồng chị Thuý. Clip: Ngọc Vũ