Như Dân Việt đã thông tin, ngày 18/2, thông tin từ Bộ Công an cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty VEAM.
Quá trình điều tra, làm rõ dấu hiệu sai phạm tại các dự án sử dụng đất của VEAM, C03 đã khởi tố các bị can: Lâm Chí Quang - cựu Chủ tịch HĐQT VEAM, Nguyễn Thanh Giang - cựu Tổng giám đốc VEAM và Đào Huấn Ngữ - nguyên Giám đốc Công ty Đúc số 1.
Cơ quan điều tra xác định các bị can trên đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất diện tích gần 9.000m2 tại số 220 đường Bình Thới, phường 14, quận 11, TP.HCM. Hành vi của các bị can đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Hiện C03 đang điều tra mở rộng vụ án để thu hồi tài sản thất thoát cho Nhà nước.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí mà các cựu lãnh đạo của VEAM vừa bị khởi tố được quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí có 3 mức phạt, trong đó mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm nếu gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, đây là hình phạt bổ sung.
Như vậy, nếu ông Lâm Chí Quang - cựu Chủ tịch HĐQT VEAM, Nguyễn Thanh Giang - cựu Tổng giám đốc VEAM và Đào Huấn Ngữ - nguyên Giám đốc Công ty Đúc số 1 gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù 20 năm theo khoản 3, Điều 219 Bộ luật hình sự 2015.
Theo ông Cường, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc của lô đất đó, làm rõ quy chế quản lý sử dụng lô đất, xác định các văn bản mà các bị can đã ký kết…để xác định hành vi, vai trò của từng bị can, xác định thiệt hại làm căn cứ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Bình luận về tội danh mà những người trên vừa bị khởi tố, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xâm phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp.
Đối tượng bị xâm hại của tội phạm này là tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị: máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định.
Chủ thể của tội phạm này chỉ có thể là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Có nghĩa là, người thực hiện hành vi vi phạm, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tài sản.
Theo luật sư Hòe, hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau: Gây thất thoát, lãng phí tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; Dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
Bạn đọc đang đọc bài viết "Cựu Chủ tịch và cựu Tổng giám đốc VEAM vừa bị khởi tố đối diện mức phạt 20 năm tù?" đăng tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng 0857.835.666.