Đồng bào dân tộc La Chí được biết đến là dân tộc thiểu số ít người, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn song họ nổi tiếng hiếu khách, cần cù, chăm chỉ, đời sống văn hoá phong phú, hồn nhiên yêu đời, gắn bó, gần gũi với thiên nhiên...
Cùng với nét đẹp văn hoá Tết Khu Cù Tê, hay còn gọi là tết tháng 7, nghề trồng bông, chàm dệt vải và nghệ thuật tạo hình trang phục truyền thống của người La Chí đã góp phần làm cho sắc màu các dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa dạng và đầy màu sắc.
Người La Chí ở Việt Nam hiện có trên 1,3 vạn người, cư trú tại 38/63 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu tại tại tỉnh Hà Giang với trên 1,2 vạn người. Ở Lào Cai, người La Chí sinh sống chủ yếu ở xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà với 66 hộ, 388 khẩu.
Người La Chí ở vùng đồi núi cao của xã Nậm Khánh có nguồn gốc ban đầu từ 6 hộ người dân tộc La Chí từ xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang di cư về mảnh đất Nậm Táng, Nậm Khánh vào năm 1976.
Trong suốt thời gian qua, người La Chí được ca ngợi khai ruộng bậc thang giỏi. Ông Vương Chiến Thanh, sinh năm 1966, nguyên Chủ tịch UBND xã Nậm Khánh, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc La Chí Việt Nam, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Nậm Táng kể: Năm 1976, vào ngày trời rét như cắt da, cắt thịt, gia đình ông và 5 hộ khác quyết định rời quê hương Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì đi tìm miền đất mới với mong muốn thoát nghèo.
Đoàn người cứ băng rừng, lội suối mà đi, hơn 1 tuần thì đến Nậm Táng. Lương thực mang theo gần cạn, 6 hộ dừng lại dựng lán, đào củ mài, hái rau rừng ăn và phát cây, khai hoang lấy đất canh tác.
"Khi đó, Nậm Táng cũng chỉ có vài hộ người Dao, họ sẵn lòng cho chúng tôi ở lại, cùng canh tác và sinh sống. Đó là những ngày đầu người La Chí đến Nậm Khánh sinh sống" - ông Thanh kể.
Thời ấy, cuộc sống của người La Chí gặp vô vàn khó khăn, thường phải vào rừng săn bắt, đào củ mài làm lương thực…, sau rồi mới phát cỏ, trồng sắn, trồng ngô, lúa. Nhờ kinh nghiệm bậc thầy trong làm ruộng bậc thang, người La Chí dần dần chinh phục những sườn núi dốc, tạo nên những thửa ruộng bậc thang màu mỡ để trồng lúa nước, ổn định cuộc sống đến ngày nay.
Dưới đôi bàn tay lao động cần cù, chăm chỉ, óc sáng tạo, họ đã tạo nên những khu ruộng bậc thang đẹp mắt, vắt ngang lưng chừng đồi núi, tự như chiếc thang trời thu hút bao nhiếp ảnh gia, du khách đến với Bắc Hà. Nông nghiệp là nghề chính nên họ cũng rất giỏi trồng trọt, ngoài trồng ngô, lúa, đậu tương, độ 10 năm nay họ đã biết trồng quế và thảo quả…
Điều đặc biệt là dù trên thị trường nhiều hàng may mặc sẵn, song người La Chí ở Bắc Hà vẫn giữ nếp mặc trang phục truyền thống. Hầu hết các hộ vẫn giành một phần nương ruộng để trồng bông, trồng chàm phục vụ việc dệt vải.
"Người La Chí quan niệm rằng, khi sang cõi âm phải mặc bộ áo vải nhuộm chàm mới, không được mặc áo khác. Cho nên, người La Chí luôn trân trọng bộ trang phục của mình và thường dành phần đất tốt nhất để trồng bông, trồng cây chàm để có sợi dệt, chàm để nhuộm. Cũng từ đó, nghề trồng bông dệt vải đã trở thành một trong những nét đặc sắc của dân tộc La Chí"- anh Lý Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà (Lào Cai)- người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng đồng bào dân tộc La Chí cho biết.
Người La Chí ở Nậm Khánh hiện vẫn gìn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Việc thêu thùa, may vá là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá phẩm chất, đạo đức, sự khéo léo và chăm chỉ của người phụ nữ La Chí.
Để làm ra những bộ trang phục truyền thống phải trải qua rất nhiều công đoạn, trước tiên, bà con sẽ trồng bông trên những thửa ruộng bậc thang. Sau khi thu hoạch, bông sẽ được tách hạt và đem phơi khô, bật cho tơi rồi cuộn thành từng thỏi nhỏ.
Trên các sản phẩm dệt của người La Chí xã Nậm Khánh có rất nhiều mẫu hoa văn đẹp, thể hiện sự sáng tạo, tinh tế trên từng đường kim, mũi chỉ của người phụ nữ; trong đó, phổ biến nhất là hoa văn thêu chỉ và hoa văn ghép vải. Các mẫu hoa văn hình tam giác, hình chấm tròn, hình quả trám kết hợp với các đường viền. Các họa tiết hoa văn này chủ yếu được thêu ở hai bên cổ áo và yếm tạo nên sự mềm mại cho bộ trang phục của phái nữ.
Chị Vàng Thị Óng, người dân tộc La Chí, ở thôn Nậm Khánh, xã Nậm Khánh cho biết thêm: Để làm ra một bộ, nhất là cái áo cũng mất nhiều thời gian và công sức. Tất cả phải làm thủ công hết. Tuy trồng bông, dệt vải vất vả nhưng đó là văn hóa tự bao đời nay của dân tộc rồi nên mình vẫn sẽ giữ gìn và truyền dạy lại cho các con mình để nó không bị mất đi.
Hầu hết phụ nữ La Chí đều biết dệt vải, và họ cũng không dùng tới máy khâu. Tuy trang phục của họ không cầu kỳ về hình thức nhưng lại rất tỉ mỉ về những họa tiết và đường nét.
Đàn ông mặc áo 5 thân dài tới ngang bắp chân (ngày nay áo ngắn hơn), quần lá tọa, đầu quấn khăn. Phụ nữ mặc áo dài tứ thân, có dây thắt lưng, yếm, đội khăn dài, mặc quần hay váy tùy người. Đồ trang sức của nam chỉ có vòng tay, còn nữ có thêm vòng tai. Phụ nữ La Chí thường quen đeo địu qua trán, dù địu làm bằng vải hay đan bằng giang cũng vậy. Nam giới lại đeo gùi qua hai vai.
Họa tiết hoa văn cơ bản trên trang phục của người La Chí là hoa văn thêu chỉ và hoa văn ghép vải. Thêu chỉ là mẫu hoa văn được trang trí phổ biến nhất trên trang phục của phụ nữ, chủ yếu ở hai bên cổ áo gồm các mô-típ hoa văn hình tam giác, hình chấm tròn, hình quả trám kết hợp với các đường viền nhiều màu sắc.
Trong khi đó, hoa văn ghép vải được xem là tinh hoa của nghệ thuật trang phục truyền thống La Chí. Các mẫu hoa văn ghép vải chủ yếu là các đường viền, hoa văn hình tam giác cân với các màu sắc chủ đạo là màu đỏ và màu tím. Đây cũng là hai màu mà người La Chí ưa thích, tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc.
Để chuẩn bị thêu, người phụ nữ chọn những loại vải hoa, có nhiều màu sắc khác nhau, sau đó cắt thành các mẫu hoa văn theo ý muốn rồi dùng kim khâu đính với phần thân địu. Các mẫu hoa văn trang trí trên địu của người La Chí có sự kết hợp hài hòa giữa các mẫu hoa văn ghép vải và hoa văn thêu chỉ.
Ngày nay, ở những nơi có đồng bào La Chí sinh sống như ở các thôn, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà (Lào Cai), sinh hoạt văn hoá đã có sự cởi mở, hòa nhập với các cộng đồng dân tộc khác, song người La Chí vẫn giữ được nét đặc sắc trong trang phục.
Họ không chỉ mặc vào dịp lễ, tết, chơi hội hay đám cưới mà cả trong sinh hoạt thường ngày, già trẻ vẫn thường khoác trên mình trang phục duyên dáng ấy và với sự tinh tế, nhẹ nhàng song không kém phần độc đáo.