Như Dân Việt đã đưa tin, Công an huyện Mê Linh đang xác minh, làm rõ thông tin liên quan vụ một người đàn ông rút vật giống súng chĩa thẳng vào mặt người dân, xảy ra trên địa bàn xã Tiền Phong vào sáng ngày 16/2.
Theo nguồn tin của PV, người đàn ông đó là cán bộ Công an quận Long Biên. Người này cũng đã được yêu cầu viết giải trình về sự việc.
Chia sẻ với Dân Việt liên quan câu chuyện này, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhìn nhận, dù chưa biết thực hư vật nam cán bộ Công an rút ra có phải là súng hay không nhưng ít nhiều những thông tin trên đã khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Theo luật sư Quách Thành lực, để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội thì Công an nhân dân là đối tượng được phép sử dụng súng theo quy định tại điểm d, Điều 18, Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017.
Tuy nhiên, pháp luật quy định nghiêm ngặt về nguyên tắc chỉ sử dụng vũ khí trong trường hợp cần thiết.
Cụ thể, luật sư Lực viện dẫn:
"Căn cứ vào Khoản 2 Điều 23 Luật này, Công an chỉ được dùng súng trong 6 trường hợp sau:
1. Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội đó;
2. Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;
3. Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
3. Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác;
5. Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;
6. Được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác".
Cũng theo vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội, việc sử dụng vũ khí quân dụng sẽ tuân theo nguyên tắc tại điều 22 của luật này.
Cụ thể như sau: Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng;
Chỉ dùng súng khi đang thi hành công vụ nhằm đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo;
Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
Đáng chú ý, luật sư Quách Thành Lực chia sẻ, theo quy định, hậu quả của việc nổ súng gây ra thiệt hại sẽ được chia ra thành hai trường hợp.
Trường hợp đầu tiên, nếu cán bộ công an sử dụng súng trong khi đang thi đang thi hành công vụ, khi cán bộ Công an đảm bảo các nguyên tắc sử dụng súng theo đúng các nguyên tắc tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 luật này như đã nêu trên, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc sử dụng súng gây ra.
Trường hợp gây thiệt hại rõ ràng quá yêu cầu tình thế cấp thiết, thì cán bộ, Công an có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ căn cứ theo Điều 127 Bộ luật hình sự năm 2015.
Mức phạt có thể lên đến 15 năm tù đồng thời có có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Trường hợp cán bộ, Công an trong lúc đang thi hành công vụ mà do lợi dụng, lạm dụng vũ khí để xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác mà không nhằm mục đích thi hành công vụ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, với tình tiết tăng nặng là lợi dụng nghề nghiệp theo điểm k điều 123 Bộ luật Hình sự, tùy vào mức độ mà mức phạt có thể từ 12 năm tù đến chung thân, tử hình.
Trường hợp thứ hai là khi cán bộ Công an sử dụng súng khi không đang thi hành công vụ.
Theo quy định, người không đang thi hành công vụ mà sử dụng súng sai mục đích thì tùy vào mức độ vi phạm mà sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm hình sự, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ.
Nếu họ có hành vi sử dụng súng, lời nói đe dọa giết người và làm cho người bị đe dọa tin rằng mình có thể bị giết thì sẽ là dấu hiệu cấu thành tội "Đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự" có thể bị phạt tù lên đến 7 năm.
Mặt khác, nếu Công an dùng súng làm chết người trong trường hợp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt tù từ 12 năm đến chung thân, tử hình.
"Tóm lại, việc Công an sử dụng súng mà gây ra hậu quả thì phải xem xét đến nhiều yếu tố để kết luận họ sẽ bị xử lý như thế nào.
Một trong những yếu tố quan trọng là họ có đang trong thời gian thi hành công vụ hay không, mục đích của việc sử dụng súng có nhằm đảm bảo việc thi hành công vụ, có đáp ứng các nguyên tắc của pháp luật khi sử dụng vũ khí quân dụng hay không. Nếu cán bộ, công an sử dụng sai mục đích thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như đã phân tích ở trên" – luật sư Lực nói.
"Trong sự việc của nam cán bộ Công an quận Long Biên nêu trên, cơ quan chức năng đang xác minh, làm rõ xem vật giống súng đó là cái gì, từ đó mới có các biện pháp để xử lý tiếp theo" – luật sư Lực nói thêm.