Những quán nhậu bình dân khu vực quận 2, TP.HCM đã quá quen thuộc với giọng hát liêu trai, cao vút hơi có chút khàn, nghẹn của người đàn bà hơn 60 tuổi Huỳnh Ngọc Bình.
Bà thường chọn hát những ca khúc tiếng Anh nổi tiếng thập niên 1980, 1990 hoặc tình khúc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lam Phương… Khán giả của “ca sĩ bình dân” này phần lớn là những người đàn ông sau một ngày lao động mệt nhọc quy tụ về đây thư giãn để rồi sáng hôm sau lại sấp mặt với những mưu sinh thường nhật. Vì thế mà những đồng tiền “boa” “nàng ca sĩ” nhận được cũng nhuốm mùi mồ hôi mặn chát.
“Đêm nào khách boa nhiều, tôi cũng được vài trăm đến một triệu cầm về, chưa kể tiền phải chia với ban nhạc. Tuy nhiên, không phải đêm nào, khách cũng boa nhiều như vậy. Dù sao, tôi vẫn thấy vui vì vừa thỏa mãn đam mê ca hát, vừa có thu nhập, không phải phụ thuộc vào con cháu”.
Với số tiền đi hát mỗi đêm chỉ đủ sống, ở tuổi ngoài 60, đam mê của bà Bình là làm từ thiện. Ngoài chuyện biểu diễn ở những lễ hội tại đình, chùa, bà thường kêu gọi, gom góp quần áo cũ, gạo, thực phẩm… rồi tổ chức những chuyến đi đến những nơi có đồng bào nghèo khó để trao tặng.
Trang phục, son phấn rẻ tiền, cộng với những vết hằn thời gian trên khuôn mặt không giấu được nét xinh đẹp, sắc sảo của người đàn bà từng đêm đứng hát đơn độc trên những sân khấu lề đường, dưới ánh đèn vàng vọt hay những cơn mưa xối xả. Tan cuộc, bà lại lặng lẽ chạy xe máy một mình trong đêm về căn phòng trọ tồi tàn.
Ít ai biết, thời trẻ, Ngọc Bình từng là ca sĩ phòng trà nổi tiếng một thời của Sài Gòn hoa lệ. Nhưng chỉ vì lấy nhầm người, cuộc đời bà rẽ sang những bước ngoặt đầy cay đắng.
Ở tuổi 16, 17, Ngọc Bình đã nổi bật với nhan sắc đằm thắm và giọng hát trong trẻo, cao vút. Chị trở thành học trò của một trong nhiều nhạc sĩ thời đó như Anh Bằng, Minh Kỳ, trưởng thành từ các “lò đào tạo ca sĩ”, cùng thế hệ với những danh ca sau này như Phương Dung, Giao Linh, Trang Mỹ Dung…
Những năm đầu thập kỷ 70, ở tuổi 17, Ngọc Bình đã hát tại những phòng trà nổi tiếng Sài Gòn như Victoria, Gió Chiều… đứng chung sân khấu với các đàn chị Giao Linh, Phương Dung. Thân hình nhỏ bé, sở hữu đôi mắt to tròn, lại hát được nhạc ngoại, cô ca sĩ trẻ được nhiều người theo đuổi.
“Thời trẻ, tôi chỉ biết đi hát rồi về đưa tiền cho mẹ giữ, không hề biết yêu đương. Đời ca sĩ ngắn nên tôi sợ nếu lấy chồng, sinh con, mình sẽ không còn cơ hội đứng trên sân khấu để thỏa đam mê. Vậy mà… đời không như mơ”, bà Bình thở dài nhớ lại.
Đi hát được vài năm, thời cuộc thay đổi, cả gia đình ca sĩ phải chuyển từ Sài Gòn lên một tỉnh miền Tây theo phong trào xây dựng kinh tế mới. “Tôi lấy chồng trên vùng kinh tế mới, trong một tình thế “sự đã rồi” do mẹ anh đem người đến hỏi và mẹ tôi đồng ý. Anh chỉ có biệt tài đá banh và... nhậu tối ngày. Nhà dột mái, mình tôi bụng mang dạ chửa bắc thang leo lên lợp mái nhà dưới trời mưa” – Ngọc Bình hồi tưởng trong nước mắt.
Chưa hết, không chỉ đánh vợ đến mức sẩy thai, người chồng còn bỏ mặc mọi lo toan cuộc sống lên vai vợ. Nói về những tháng ngày cơ cực, Ngọc Bình cười chua chát kể: “Tôi phải gác lại đam mê ca hát mấy chục năm tuổi trẻ, làm đủ nghề để nuôi ba đứa con. Từ làm nhang, đi bán vé số, buôn ve chai… Đến một ngày được đi hát trong 1 quán cà phê, thù lao được 10 đồng thì chồng tôi đến đó uống rượu, hút thuốc mất 5 đồng. Vậy là chỉ còn 5 đồng cầm về mua gạo cho con”.
Nữ ca sĩ cũng nhớ những ngày nhặt nhạnh từng con ốc, chiếc đinh… để lo cho con trai mở cửa hàng sửa xe máy. “Tôi cứ gom từng chiếc ốc, vít, phụ tùng, từng thùng, từng thùng một, dần dần đủ đồ nghề mới dám mở cửa hàng sửa xe máy cho con”, bà nói.
Từ bỏ nghiệp ca hát, lăn lộn làm mẹ đơn thân hơn 20 năm để nuôi các con trưởng thành, ở tuổi ngoài 60, sau khi con cái đã ổn định kinh tế và lập gia đình, Ngọc Bình mới có thời gian thực hiện ước mơ làm ca sĩ. Bà bắt đầu lại tuổi trẻ của mình từ những sân khấu bình dân… là những quán nhậu đêm ven đô.
Cách đây vài năm, bà tham gia một cuộc thi ca hát trên truyền hình, được các giám khảo có tên tuổi đặt biệt danh “Susan Boy Việt Nam” - chừng đó thôi khiến bà hạnh phúc “ngạt thở” khi được sống lại cảm giác đứng hát trên sân khấu, được khán giả tung hô, hâm mộ như ngày nào..
Ở tuổi 63, nhìn lại cuộc đời mình, Ngọc Bình không oán hờn, chỉ bảo: Kiếp cầm ca nó vậy, giờ đã lo cho các con xong, mình mãn nguyện rồi, thời gian còn lại dành cho việc đi hát từ thiện.