Hiện xu hướng diễn viên miền Nam ra Hà Nội đóng phim truyền hình khá nhiều. Nếu có cơ hội Thúy Diễm tham gia không?
- Khi có dự án phim chất lượng, chắc chắn tôi không từ chối, nhưng phải hỏi ý kiến chồng đã, không biết anh ấy có đồng ý không (cười).
Bây giờ tôi đã là một người mẹ, người vợ nên phải có trách nhiệm chăm lo con cái, gia đình. Tôi không thể tự quyết định được, chồng tôn trọng mình, mình càng phải tôn trọng anh ấy nhiều hơn.
Niềm đam mê với công việc của tôi rất mãnh liệt nhưng tất cả đều phụ thuộc vào cái gật đầu của chồng.
Vậy những cảnh nóng, nhạy cảm trong phim, Thúy Diễm cũng phải "xin phép" Lương Thế Thành?
- Nếu chồng tôi không thích, tôi cũng không làm. Tôi cần sự bình yên của gia đình hơn là ánh hào quang mãnh liệt mà nghề nghiệp mang lại.
Tôi thích cuộc sống nhẹ nhàng, êm đềm, dù biết phải táo bạo và chấp nhận thử thách trong vai diễn mới đem lại thành công cho một diễn viên.
Vợ chồng tôi không có khái niệm "ai sợ ai", đó là sự tôn trọng mà chúng tôi dành cho nhau sau khi về chung một nhà.
Trước kia mọi người hay nói "nhà phải có nóc" ám chỉ người chồng, nhưng hiện nay giới trẻ lại cắt nghĩa "nóc nhà" là vợ hoặc bạn gái. Vậy gia đình chị, ai thật sự mới là "nóc nhà"?
- Tôi nghĩ dù mình có là "nóc nhà", làm chủ gia đình hay là người đưa ra quyết định hay không, vẫn phải tôn trọng ý kiến các thành viên còn lại. Gia đình được xây dựng từ sự yêu thương của tất cả mọi người.
Nếu tôi tự đưa ra quyết định, không quan tâm đến cảm xúc của người khác sẽ khiến mọi người trong gia đình bằng mặt không bằng lòng. Tôi không thích điều đó xảy ra.
Khi có việc mình muốn làm mà chồng lại đồng ý trong sự bắt buộc thì điều đó cũng khiến tôi không thoải mái. Niềm vui, sự cố gắng trong công việc mất đi thì còn ý nghĩa gì nữa.
Với nhiều gia đình, người vợ thường sẽ quản lý tài chính, "phát lương" cho chồng. Vậy gia đình Thúy Diễm - Lương Thế Thành như thế nào?
- Anh Thành rất "ngoan", làm bao nhiêu tôi nắm giữ hết. Khi anh ấy cần tiền vào việc gì sẽ trình bày với tôi, tất nhiên hợp lý thì tôi sẽ đưa thôi.
Đôi khi bạn bè rủ đi chơi mà trong người không có nhiều tiền thì anh cũng chủ động từ chối, không dám đi đâu xa (cười).
Ông xã không than phiền về việc nhận lương. Có lần quay chung phim với anh ấy, anh em đồng nghiệp nói: "Trời ơi, Diễm ơi, em cho Thành nhiều tiền chút đi, anh kêu bao cà phê mà Thành nói không có tiền". Tự nhiên tôi thấy thương và lại cho thêm.
Cuộc sống hôn nhân khó có thể tránh xung đột, đặc biệt ở bên cạnh nhau quá nhiều như thời gian giãn cách. Thúy Diễm tìm cách gì để giải tỏa tâm lý?
- Trong thời gian giãn cách, suốt 6 tháng, chúng tôi ở nhà hoàn toàn. Đôi khi nhìn nhau nhiều quá cũng có lúc cãi vã. Tôi nghĩ hầu như cặp vợ chồng nào cũng vậy. Ví dụ đơn giản là xem phim, anh thích phim hành động, tôi lại thích ngôn tình, lãng mạn. Tối nào trước khi xem phim cũng có màn đấu khẩu (cười).
Những chuyện đó chỉ là vặt vãnh, có lúc làm chúng tôi khó chịu với nhau nhưng lúc nhìn lại mới thấy mình sống trong một tổ ấm quá đầy đủ và hạnh phúc, còn ngoài kia bao người đối diện với bão tố, phong ba. Chính vì thế nếu chúng tôi không nhường nhịn nhau thì quá tệ.
Giai đoạn ở nhà có phải là thử thách hôn nhân của hai anh chị không?
- Cũng có thể là vậy, tôi đọc báo thấy nhiều cặp vợ chồng trẻ chia tay, hôn nhân tan vỡ. Mùa dịch, công việc, kinh tế bị ảnh hưởng, áp lực chăm sóc con cái và tất cả mọi việc khác đổ dồn rất dễ sinh ra căng thẳng.
Bình thường có thể bỏ qua, thông cảm cho nhau vì tâm lý thoải mái. Còn giữa lúc căng thẳng chống dịch, lo lắng về sức khỏe, tài chính khiến ai cũng dễ cáu gắt.
Nhiều cặp nóng tính, không nhịn nhau dẫn đến ly hôn. May mắn cho tôi khi cả hai tính tình ôn hòa, dù có cãi vã hay giận nhau cũng chỉ trong khoảng một, hai tiếng. Chúng tôi đi lại trong nhà, giáp mặt rồi cũng nói chuyện.
Trải qua va chạm, Thúy Diễm có cảm thấy đối phương hay chính mình đã thay đổi so với trước?
- Tôi nghĩ cả hai đều có sự thay đổi, chưa bao giờ vợ chồng tôi có khoảng thời gian bên nhau nhiều như thế. Trước kia ai cũng tất bật với guồng quay công việc từ năm này tới năm khác. Chúng tôi không có thời gian ngồi lại, nghiền ngẫm những gì đã qua, rút kinh nghiệm.
Đến lúc này, chúng tôi tĩnh lặng nhìn lại mình, cùng lên kế hoạch cho tương lai, có nhiều thời gian bên cạnh con, dạy con học, chơi với con nhiều hơn.
Thúy Diễm có thay đổi cách nuôi dạy con khi có nhiều thời gian hơn?
- Trong mùa dịch, tôi bắt đầu dùng hình thức phạt với bé. Khi bé hư, tôi yêu cầu bé khoanh tay, phạt không chơi đồ chơi. Hai vợ chồng tự vạch ra điều lệ cần có với bé.
Bé đang trong độ tuổi lên ba, có mức độ chống đối, hiện tượng bướng, ăn vạ nên cũng khá vất vả, tâm lý bé bắt đầu thay đổi.
Anh chị nuôi con theo khoa học hay theo kiểu truyền thống "thương cho roi cho vọt"?
- Tôi không muốn dạy con theo cách đòn roi. Ngày xưa ông bà có câu "thương cho roi cho vọt" nhưng chính bản thân mình từng là trẻ con, không thích bị ăn đòn.
Khi dạy con tôi phải răn đe, cứng rắn nhưng tôi muốn con hiểu vấn đề. Đâu phải cứ dùng đòn roi là bé sẽ nghe lời, đôi khi điều đó khiến đứa trẻ bướng hơn.
Như đã nói ở trên, chúng tôi dạy con bằng cách dùng thức hình phạt, bé sẽ khoanh tay dựa lưng vào tường thật lâu đến khi hiểu được lỗi của mình, xin lỗi ba mẹ.
Đôi khi chúng tôi yêu cầu bé đếm số, đọc chữ để con có thể nhớ được con số, chữ cái mình đã học. Hai vợ chồng tôi cũng không phải chuyên gia, tôi cảm thấy phương pháp nào hay từ bạn bè, báo chí thì áp dụng.
Gần đây nhiều sự việc đau lòng liên quan đến con trẻ do chính các bậc phụ huynh gây ra. Chị có suy ngẫm lại về cách dạy con hay hướng dẫn con cách tự bảo vệ mình không?
- Tôi rất đồng cảm, đau xót khi đọc những thông tin trẻ em bị bạo hành, tổn thương. Các bài viết khiến tôi mất ngủ mấy đêm. Tôi lo lắm, nhìn thấy con mình bé xíu, các bé khác cũng thế mà sao họ có thể nhẫn tâm đến vậy. Thế giới bên ngoài quá nhiều biến đổi.
Càng hiện đại càng có nhiều vấn đề nguy hiểm xảy ra cho trẻ em nên để bảo vệ được con, chắc chắn tôi phải dạy và hướng dẫn con cách tự bảo vệ bản thân mình. Đó là điều không riêng gì tôi, cả anh Thành và các ba mẹ khác cũng sẽ làm điều đó.
Hiện giờ con tôi còn nhỏ, nên hai vợ chồng tự bảo vệ con, đi xa là lo lắng 24/24, quan tâm môi trường học của bé. Bé đi học về phải trò chuyện với con, xem con có biểu hiện gì khác, thân thể tay chân có trầy hay vết thương không để phát hiện kịp thời và phản kháng ngay. Sự quan tâm của cha mẹ chính là lớp phòng thủ vững chắc nhất cho con ở giai đoạn này.