Mới cách đây vài ngày Nga tuyên bố rút bớt quân khỏi biên giới Ukraine, căng thẳng Ukraine tưởng chừng hạ nhiệt, nhưng nay lại nhanh chóng leo thang trở lại sau khi Tổng thống Putin công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) ở miền Đông Ukraine hôm 21/2. Với ông, động thái này của Tổng thống Putin có bất ngờ không? Theo ông, vì sao ông Putin lại đưa ra quyết định như vậy?
- Bản thân tôi với tư cách là một nhà nghiên cứu chiến lược thì đúng là có bất ngờ với động thái này của Tổng thống Putin. Qua trao đổi với bạn bè, các nhà phân tích-nghiên cứu khác thì ai cũng bất ngờ. Ba cuộc hội thảo về tình hình Ukraine mà tôi tham dự trong tuần qua, không có ai đề cập đến bước đi này của ông Putin.
Xung quanh chuyện này, điều quan trọng nhất là phải hiểu lý do vì sao ông Putin công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR).
Trong những ngày qua, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Moscow để thảo luận với ông Putin về Ukraine, các bên đều đã thống nhất là phải thực hiện thỏa thuận Minsk II năm 2015 để mang lại hòa bình cho vùng Donbass (gồm 2 tỉnh Donetsk và Lugansk - PV).
Nhưng chính quyền Kiev lại không tuân thủ thỏa thuận này, liên tục làm trái các cam kết của họ. Theo quan điểm của ông Putin, cơ sở để giải quyết cuộc xung đột ở Donbass là thỏa thuận Minsk với những điểm chính như sau: Một là, phe ly khai và quân đội Kiev đình chiến, chấm dứt xung đột, trao trả tù binh. Hai là chính quyền Kiev phải cải cách hiến pháp, trao thêm quyền cho khu vực tự trị Donbass. Ba là chính quyền Kiev phải đối thoại với các chính quyền tự trị lâm thời ở Donetsk, Luhansk và quốc hội Ukraine phải thừa nhận tình trạng đặc biệt ở đây...
Tuy nhiên, từ năm 2015 cho đến nay, chính quyền Kiev đều không thực hiện được 3 điểm cơ bản này trong thỏa thuận Minks. Giao tranh vẫn tiếp diễn ở Donbass, các bên đổ lỗi cho nhau, chính quyền Kiev cũng không thực hiện cam kết sửa hiến pháp.
Kể từ ngày 17/2, xung đột ở Donbass leo thang nghiêm trọng, các bên bị tố pháo kích lẫn nhau. Khi đó, Điện Kremlin đã phát đi cảnh báo rằng, Nga "quan ngại nghiêm túc" về tình hình ở Donbass sau khi phe ly khai cáo buộc quân chính phủ Kiev pháo kích vào lãnh thổ của họ, đe dọa tính mạng của dân thường.
Nga cũng cảnh báo rằng, họ có quyền phát động hành động "đáp trả thích đáng" nếu cảm thấy cần thiết để bảo vệ các công dân Nga sống ở miền Đông Ukraine. Bất chấp các cảnh báo, tình hình xung đột ở Donbass vẫn không ngừng leo thang, điều này đã thúc đẩy ông Putin công nhận độc lập cho Donetsk và Lugansk.
Liệu đây có phải là bước đi mạo hiểm của ông Putin không thưa ông?
- Trên phương diện nào đó thì cũng có thể xem đây là bước đi có phần mạo hiểm, nhưng chắc chắn cũng là bước đi có tính toán của ông Putin. Chắc chắn Mỹ và châu Âu sẽ phản ứng quyết liệt, nhưng tất cả chỉ xung quanh lĩnh vực kinh tế. Tới đây, họ sẽ đưa ra một loạt các biện pháp bóp nghẹt nền kinh tế Nga. Nhưng chắc chắn Tổng thống Nga Putin đã có những tính toán của riêng mình.
Theo quan điểm của tôi, đây là bước khởi đầu của một giai đoạn hoàn toàn mới trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Nga đã thực sự đối đầu với phương Tây. Từ đây, quan hệ Nga-Mỹ-NATO, Nga-châu Âu, Nga-Ukraine chắc chắn sẽ căng thẳng và khó khăn hơn nữa.
Tình hình Ukraine hiện căng như dây đàn, liệu có giải pháp hòa bình nào cho 2 bên không thưa ông?
- Nga đã tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Mỹ về Ukraine. Trên thực tế, cả Nga, Ukraine lẫn Mỹ và NATO đều không muốn một cuộc chiến. Cho nên sớm hay muộn thì các bên cũng sẽ ngồi xuống đàm phán với nhau thôi.
Hiện vấn đề dư luận quốc tế đang quan tâm nhất là, liệu cuộc khủng hoảng Ukraine có bùng nổ thành một cuộc chiến lớn ở châu Âu hay không. Theo quan điểm của tôi, tính đến thời điểm này, tôi vẫn tin rằng rất ít, cực kỳ ít khả năng sẽ xảy ra một cuộc chiến lớn giữa Nga và Ukraine, hay một cuộc chiến tổng lực giữa Nga-Mỹ-NATO vì Ukraine. Bởi lẽ mục đích của Nga không phải là chiến tranh, Mỹ cũng sẽ không tham chiến vì Ukraine còn chính quyền Kiev thì thừa hiểu họ không thể chống lại Nga.
Nhìn chung, quan điểm của tôi là bây giờ căng thẳng, trừng phạt lẫn nhau nhưng các bên vẫn đang để ngỏ giải pháp đối thoại ngoại giao. Chắc chắn các bên sẽ phải ngồi xuống với nhau thôi.
Chúng ta có thể hi vọng vào một tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Liên Hợp Quốc đóng vai trò giúp hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraine không thưa ông?
- Theo quan điểm của tôi thì Liên Hợp Quốc chỉ đóng vai trò hạn chế thôi, còn chủ yếu là các nước liên quan phải ngồi xuống nói chuyện với nhau, chủ yếu là thái độ của Mỹ.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!