Dân Việt

Khủng hoảng Ukraine: 2 ông Biden-Putin báo hiệu cuộc đối đầu gay gắt hơn

Minh Nhật (theo Ocregister) 23/02/2022 21:28 GMT+7
Đối đầu Đông-Tây về Ukraine đã leo thang đáng kể sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập 2 vùng ly khai ở Đông Ukraine khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo châu Âu đồng loạt đáp trả bằng các lệnh trừng phạt nhắm vào nhiều nhà tài phiệt và ngân hàng Nga.
Khủng hoảng Ukraine: Biden-Putin báo hiệu cuộc đối đầu gay gắt hơn - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh IT

Theo Ocregister, 2 nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã báo hiệu về một cuộc đối đầu lớn hơn ở phía trước. Tổng thống Putin đến nay vẫn chưa sử dụng lực lượng 150.000 quân tập trung ở 3 phía của Ukraine, trong khi Tổng thống Biden chưa tung ra các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn có thể gây ra bất ổn kinh tế cho Nga nhưng cho biết sẽ hành động nếu Nga có thêm hành động gây hấn.

Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden cáo buộc Điện Kremlin rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế khi công nhận độc lập 2 vùng ly khai của Ukraine và cảnh báo sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nếu ông Putin đi xa hơn.

"Chúng tôi đoàn kết ủng hộ Ukraine. Không ai trong chúng tôi bị lừa. Không có sự biện minh nào cả”, ông Biden tuyên bố.

Hy vọng về một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine trong nhiều tuần qua hiện dường như đã "tan thành mây khói".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy kế hoạch cho cuộc gặp ngày 24/2 tới tại Geneva với người đồng cấp Nga.

Ông Blinken ra tuyên bố nói rằng cuộc gặp này sẽ không hiệu quả và hành động của Nga cho thấy Moscow không nghiêm túc về một con đường hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Các quốc gia phương Tây đã tìm cách thể hiện một mặt trận thống nhất, với hơn 20 thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt ban đầu của chính họ đối với các quan chức Nga. Đức cũng cho biết đã tạm dừng quá trình phê duyệt đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 - dự án khí đốt quan trọng của Nga. Trong khi đó, Mỹ "cắt đứt" Nga khỏi nền tài chính phương Tây, trừng phạt 2 ngân hàng của nước này và cấm các ngân hàng này giao dịch trên thị trường Mỹ, châu Âu.

Tuy nhiên, chính quyền Biden đã giữ lại một số hình phạt tài chính rộng nhất và cứng rắn nhất mà Mỹ dự tính, bao gồm các biện pháp cấm xuất khẩu công nghệ cao sang Nga cho các ngành công nghiệp và quân sự của họ cũng như những lệnh cấm có thể làm tê liệt khả năng kinh doanh của Nga với phần còn lại của thế giới.

Biden cũng cho biết, ông sẽ điều động thêm quân đội Mỹ đến vùng Baltics, đồng thời tuyên bố việc triển khai này hoàn toàn là "phòng thủ", "không có ý định chống lại Nga".

Theo một quan chức quốc phòng cấp cao, Mỹ đang điều khoảng 800 lính bộ binh và 40 máy bay tấn công tới sườn phía đông của NATO từ các địa điểm khác ở châu Âu. Ngoài ra, một đội máy bay chiến đấu cường kích F-35 và trực thăng tấn công AH-64 Apache cũng sẽ được triển khai.

Về phần Nga, sau khi công nhân độc lập cho 2 vùng ly khai ở Đông Ukaine, ông Putin đã đưa ra 3 điều kiện để chấm dứt cuộc khủng hoảng khiến châu Âu lo sợ về "bóng ma chiến tranh" có thể dẫn đến thương vong lớn, tình trạng thiếu hụt năng lượng trên toàn châu lục và sự hỗn loạn kinh tế toàn cầu.

Theo đó, ông Putin nói rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể được giải quyết nếu chính quyền Kiev công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea, từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và phi quân sự hóa một phần.

Phương Tây đã chỉ trích việc sáp nhập Crimea của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế và trước đó đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị cấm Ukraine gia nhập NATO.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, ông sẽ xem xét việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Kiev hiện đã triệu hồi đại sứ của nước này tại Moscow về nước.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định phương Tây sẵn sàng mạnh tay hơn nữa: “Nếu Nga quyết định sử dụng vũ lực chống lại Ukraine, sẽ có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa, thậm chí cái giá phải trả sẽ cao hơn", ông Stoltenberg nói.