Trưa 24/2, lần đầu kể từ năm 2014, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Cụ thể, lúc 11h30 (giờ Việt Nam), các hợp đồng dầu Brent giao tương lai lên 101,93 USD/thùng, tăng 4,69% so với phiên trước đó. Giá dầu WTI giao tương lai của Mỹ cũng tăng 4,73%, lên mức 96,46 USD/thùng. Giá khí đốt cũng tăng vọt 4,7% so với phiên hôm qua.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, giá xăng dầu đã lên tới hơn 100 USD/thùng cùng với diễn biến của chiến tranh Ukraine, giá xăng dầu sẽ còn tăng cao thời gian tới.
Qua đó, vị chuyên gia nhận định, đây sẽ là sức ép lớn và xấu tới kinh tế Việt Nam. Trong đó, các chỉ số giá cả, chi phí vận tải sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên. Ngoài ra, phần lớn các sản phẩm, ngành hàng khác sẽ chịu sức ép tăng giá.
"Trước tình trạng trên, một số ý kiến đề nghị cắt giảm phí môi trường, các loại thuế. Theo tôi đây cũng là một trong các biện pháp giảm nhẹ các tác động. Nhưng điều này sẽ gây thất thu ngân sách.
Cần phải nhìn vào hiện trạng ngân sách của Việt Nam hiện nay đang rất khó khăn. Do đó, việc cắt giảm thuế phí cần được xem xét cẩn trọng. Trong bối cảnh hiện tại, cần tái cơ cấu ngành vận tải, giảm đường bộ, tăng đường sắt, đường thủy", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, ông Doanh cho rằng, để giải quyết vấn đề trước mắt cần tạm thời tìm nguồn cung năng lượng khác để giảm bớt chi phí xăng dầu. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý điều này sẽ tạo ra sức ép về khí thải, môi trường. Ts Lê Đăng Doanh đánh giá, điều này là cần thiết vì việc ngay lập tức giảm giá xăng dầu cũng có thể gây ra hệ lụy.
"Nếu chúng ta để giá xăng dầu quá thấp so với mặt bằng chung có thể xuất hiện nguy cơ buôn lậu. Với tình hình chiến sự tại Nga – Ukraine hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể dự báo trước tác động tới nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam như thế nào?
Giá xăng dầu, vàng có thể tăng, thị trường chứng khoán bất ổn, tỉ giá các đồng ngoại tệ biến động. Chúng ta cần có kịch bản trước cho những biến động của nền kinh tế trong trường hợp xuất nhập khẩu sang EU, Nga có biến động", TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho rằng, việc giảm thuế phí để hạ giá xăng là cần thiết nhưng cần tính toán, không thể loại trừ nguy cơ buôn lậu.
"Cuối năm 2021, khi ta bắt đầu mở cửa kinh tế mà giá xăng dầu thế giới tăng cao quá cho nên chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sử dụng quỹ bình ổn để làm chậm tốc độ tăng giá của xăng dầu trong nước so với tốc độ tăng giá của xăng dầu thế giới.
Đến bây giờ không thể giảm thêm. Nếu chúng ta cứ giữ mãi giá thấp thì thứ nhất là tạo ra buôn lậu ra nước ngoài, rồi tham nhũng hối lộ các lực lượng chức năng. Hơn nữa doanh nghiệp FDI lại hưởng lợi nhiều hơn, không thể lấy thóc đãi gà rừng được", ông Thịnh nhận xét.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục Trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) phân tích thêm, về mặt tích cực, việc giá dầu tăng sẽ giúp nguồn thu nhập từ hoạt động xuất khẩu dầu thô tăng.
Cùng với đó là nguồn thu từ các loại thuế phí đối với dầu thô, xăng dầu thành phẩm tiêu thụ trong nước tăng theo, góp phần giúp thu ngân sách Nhà nước tăng. Lợi nhuận của các doanh nghiệp khai thác dầu, kinh doanh xăng dầu được cải thiện.
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực gây ra những bất lợi đối với nền kinh tế không hề nhỏ. Điển hình như việc giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%. Do đó, ông Thỏa cho rằng, về cách giảm thuế phí, có thể nghiên cứu, vận dụng để ứng xử với tình trạng giá dầu khi tăng quá cao gây tác động bất lợi đến nền kinh tế.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, nếu giá xăng dầu quá cao gây ảnh hưởng tiêu cực, ảnh hưởng đến phát kinh tế tác động làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch. Trong bối cảnh công cụ quỹ bình ổn giá có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
"Quan điểm của Bộ Tài chính khi giảm thuế, phí, về góc độ nguồn thu ngân sách là rất áp lực. Nhưng các chính sách nhà nước cũng cần chia sẻ với người dân. Ở vấn đề xăng dầu chúng ta chưa dùng nguồn lực nhà nước, mà mới chỉ dùng nguồn lực xã hội, quỹ bình ổn để can thiệp. Giá dầu thô tăng cao thì nguồn thu từ đó cho ngân sách cũng cao hơn, vì vậy có thể cân nhắc giảm các yếu tố thuế, phí khác", đại diện Bộ Công Thương nêu rõ.