Gia đình anh Trần Mạnh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa bị một phen "đau tim" khi kết quả test nhanh do gia đình anh tự lấy mẫu cứ "âm dương" thay đổi liên tục.
"Ở cơ quan vợ tôi có 1 người là F0, vợ tôi tiếp xúc gần nên tôi gọi mua ngay một hộp test nhanh bán trên mạng về thử. Thấy người quen giới thiệu là của Đức, chữ Đức nên tôi cũng không dịch được. Tuy nhiên, tôi mày mò hướng dẫn test nhanh trên mạng về thử thì cả nhà đều âm. Đến khi vợ lên cơ quan xét nghiệm lại dương.
Nhờ được y tá phường đến lấy mẫu thì cả nhà 3 người dương tính. Đến lúc hỏi lại quy trình lấy mẫu thì hóa ra mình sợ con đau nên đưa que ngoáy vào mũi quá nông, không lấy được virus. Thật sự "đau tim" vì âm dương hỗn loạn", anh Hùng cho biết.
Chị Kim Hoàng (Hoàng Mai, Hà Nội) sáng sớm tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, do vội đi làm, nhìn độ 5-10 phút vẫn thấy mẫu hiện "1 vạch" nên chị ung dung đi làm. Nào ngờ vừa lên cơ quan thì chồng tá hỏa gọi điện là "thấy mẫu của em hiện 2 vạch".
Lúc này chị lấy mẫu xét nghiệm lại, đợi đủ thời gian thì đúng là dương tính. Vậy là những người vừa tay bắt mặt mừng với chị ở cơ quan lại bị cách ly.
Về những sai lầm khi người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.Hồ Chí Minh) cho biết, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 không hề dễ dàng.
Nhân viên y tế đều phải qua tập huấn, hướng dẫn chi tiết mới biết cách lấy mẫu chính xác. Thậm chí, không ít nhân viên y tế qua đào tạo rồi vẫn còn lấy mẫu sai.
Do đó, người dân tự học hỏi trên mạng và lấy mẫu thì sai sót là điều không thể tránh khỏi.
Theo bác sĩ Khanh, sai sót người dân tự lấy mẫu xét nghiệm thường là sợ đau, sợ nhột nên đưa que lấy mẫu vào mũi không đủ sâu, không đến đúng vị trí lấy mẫu- nơi có đủ tải lượng virus để cho kết quả xét nghiệm chính xác.
Ngoài ra, khi đưa que vào mũi do đưa nhanh, mạnh nên que lấy mẫu bị gập, người dân tưởng đã đủ sâu nhưng lại chưa đủ nên kết quả cũng không chính xác. "Người dân nên đưa que vào mũi từ từ. Tự cảm nhận quá trình que "chạy" vào mũi, đến khi thấy hơi nóng rát là đã đúng vị trí lấy mẫu.
Nếu lấy mẫu cho trẻ em thì nên giữ chặt đầu bé trước khi lấy mẫu và đưa que vào từ từ. Vì trẻ ít hợp tác nên thường quẫy mạnh, đưa que không đủ sâu sẽ không có kết quả chính xác.
Ngoài ra, người dân nên lựa chọn các loại kit test được Bộ Y tế cấp phép, nếu là que nhập khẩu phải có hướng dẫn sử dụng tiếng Việt; tuân thủ lấy mẫu theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất", bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Theo bác sĩ Khanh dù tự xét nghiệm âm tính thì người dân cũng không nên chủ quan là mình không mắc vì có thể mới nhiễm (hoặc đang ở thời kỳ ủ bệnh hoặc đã mắc bệnh sắp khỏi) nên tải lượng virus thấp nên test nhanh vẫn âm tính, hoặc do lấy mẫu chưa chính xác nên âm tính…
"Dù kết quả test nhanh âm tính, người dân vẫn nên tuân thủ các biện pháp 5K để phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cho mình và mọi người. Vì cho dù âm tính thật sự thì chỉ cần tiếp xúc không an toàn với người có virus là có thể nhiễm bệnh ngay", bác sĩ Khanh cho biết.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, một số người dân khi lấy mẫu thọc quá sâu gây chảy máu và vẫn dùng que có máu đề xét nghiệm thì sẽ không cho xét nghiệm chính xác.
Hoặc khi lấy mẫu lại ăn uống, đánh răng, súc miệng, xông họng, xịt mũi, hút thuốc… thì việc lấy mẫu xét nghiệm trong hầu họng thì sẽ không có kết quả chính xác. Do đó, cần phải đợi ít nhất 30 phút sau khi làm các việc trên thì mới cho kết quả tốt.
Ngoài ra, người dân phải đợi đủ thời gian để đọc kết quả. Đọc kết quả quá sớm sẽ cho kết quả âm tính giả, còn đọc kết quả quá muộn theo thời gian quy định lại có thể cho kết quả dương tính giả.
Việc thêm đúng số giọt dung dịch theo hướng dẫn trên bộ kit sẽ đảm bảo chất lỏng di chuyển trên bề mặt thử nghiệm trong một thời gian cụ thể. Do đó, người dân đừng thêm quá ít hoặc quá nhiều dung dịch.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân khi có triệu chứng nghi ngờ bệnh hoặc có tiền sử tiếp xúc người mắc Covid-19, có nhu cầu sử dụng kit test nhanh - nên mua và sử dụng các sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; có giấy phép nhập khẩu theo đúng thông tin về chủng loại, hãng nước sản xuất, có nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định và có tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Đồng thời, khi sử dụng cần nghiên cứu kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Thực hiện đúng các thao tác theo hướng dẫn của nhà sản xuất, lấy mẫu đúng, thời gian đợi kết quả đúng…
Xét nghiệm khi có các triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, sổ mũi, đau họng hoặc sau 2-3 ngày tiếp xúc với F0 sẽ cho kết quả chính xác cao hơn.
Nếu đã xác định dương tính thực hiện cách ly an toàn, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm lại ở ngày thứ 5-thứ 7 khi phát hiện bệnh thậm chí sau 10 ngày, không nên xét nghiệm quá nhiều gây lãng phí mà cũng khó thể "1 vạch" ngay được.