Từ năm 2020 đến nay, hoạt động du lịch tỉnh Ninh Bình gặp vô vàn bất lợi do dịch Covid-19, cơ bản các khu, điểm du lịch trên địa bàn phải đóng cửa phòng, chống dịch kéo dài.
Qua số liệu thống kê của ngành du lịch: Đối với Ninh Bình, đại dịch Covid-19 đã kéo lùi sự phát triển của ngành du lịch hàng chục năm (14 năm).
Cụ thể, năm 2021, toàn tỉnh Ninh Bình chỉ đón được hơn 1,3 triệu lượt, (thấp hơn 200 nghìn lượt so với năm 2007, là 1,5 triệu lượt), doanh thu đạt 935 tỉ đồng (thấp hơn 100 tỉ đồng so với năm 2007 là 1.090 tỉ đồng). Đồng thời, so với năm 2019, khách nội địa giảm 82,6%, ngành du lịch thiệt hại khoảng trên 3.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, các khu, điểm du lịch trên địa bàn phải đóng cửa gần 7 tháng, thời gian còn lại thì hoạt động cầm chừng. Theo thống kê, có 250/690 cơ sở lưu trú đóng cửa hoặc phải thu hẹp quy mô.
Đặc biệt, số lao động bị ngừng, nghỉ việc khoảng 8.600 lao động/tổng số 14.500 lao động trực tiếp toàn ngành chiếm 59,3%.
Trong tình hình mới, dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh Ninh Bình đang kiểm soát tốt dịch bệnh và tỷ lệ người dân tiêm phòng đạt cao so với cả nước.
Trên cơ sở đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp du lịch và nhu cầu của người dân, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phục hồi du lịch và cho phép các khu, điểm du lịch chính thức mở cửa đón khách ngoại tỉnh từ ngày 1/2/2022.
Nhờ đó đã kịp thời động viên các doanh nghiệp, từng bước thích ứng linh hoạt, hoàn thiện quy trình đón khách du lịch trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo an toàn hiệu quả.
Ngoài ra, một trong những giải pháp hiệu quả được ngành Du lịch đang tích cực triển khai như: Xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia kinh doanh du lịch, đổi mới mô hình kinh doanh,…
Đồng thời, các giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được tỉnh Ninh Bình triển khai mạnh mẽ tới các thị trường trọng điểm trong nước, triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch nội địa về các điểm đến du lịch, quy trình du lịch an toàn.