Vén bức màn bí ẩn cây đa nghìn tuổi biết tự di chuyển ở Ninh Bình
Thực hư chuyện cây đa 1.000 năm tuổi biết “di chuyển” ở Ninh Bình
Vũ Thượng
Thứ sáu, ngày 11/02/2022 18:44 PM (GMT+7)
Hiện tượng cây đa hơn 1.000 năm tuổi được người dân gọi với cái tên “Cây đa di chuyển” thuộc thôn Hải Nham, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Cây đa cứ 300 năm sẽ tiến hành di chuyển… hiện cây đa đang di chuyển ở cuối bước ba, đầu bước tư.
Trước đây, cây đa ở thôn Hải Nham, xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), có vị trí nằm bên cạnh ngôi đền cổ. Khi ngôi đền cổ mất, cây đa mới di chuyển và hướng ra mặt hồ, nơi có nguồn nước dồi dào, cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi cây.
Clip cây đa "di chuyển" hiện tại ở thôn Hải Nham (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
Tuy nhiên, điều kỳ lạ, sau ba bước đầu di chuyển đến mặt hồ thì đến bước thứ 4, cây đa lại quay ngược về nơi ngôi miếu thờ.
Dân gian có câu "Thần cây đa, ma cây gạo, bố cáo cây đề" nhưng âu cũng là lưu truyền bởi có lẽ cây đa thường được trồng ở nơi rất linh thiêng.
Theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Dân Việt, cây đa mà người dân thôn Hải Nham (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) gọi là cây đa "di chuyển " có chiều cao hơn 20 mét, tán rộng khoảng 50 mét, lá xanh tốt, cây có nhiều rễ phụ đâm sâu xuống đất,…
Cũng theo khoa học, dòng si và đa khi đạt hơn 300 năm tuổi, cây sẽ tiến hành thay thân, thân chính của cây già và mục nát đi, thay vào đó là các rễ phụ bám xuống đất, và ngày càng phát triển trở thành thân mới. Quá trình này gọi là các bước "di chuyển" cây.
Nhiều nhà khoa học nghiên cứu, cây đa tại thôn Hải Nham (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) có niên đại hơn 1.000 năm tuổi, đã tiến hành 3 bước di chuyển.
Hiện, cây đa đang di chuyển ở cuối bước ba, đầu bước tư. Vị trí ban đầu của cây cách vị trí hiện tại khoảng 20 mét. Đây cũng chính là lí do cây có tên gọi "Cây đa di chuyển". Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà chuyên môn, thực tế việc cây đa di chuyển là không có mà là do quá trình bồi đắp đất đai quanh gốc cây đa theo thời gian của người dân mỗi năm thay đổi một chút. Cộng với việc bộ rễ cây đa phát triển ra nên tưởng như là cây đa di chuyển, thực tế là vẫn ở vị trí ban đầu.
Theo người dân thôn Hải Nham (xã Ninh Hải), nhiều năm qua, trải qua bao cơn mưa bão, cây đa cổ thụ vẫn sừng sững xanh tốt. Bên cạnh đó, về mùa hạ cây đa xòe tán xanh rờn tỏa bóng mát, mùa đông thì trở thành bức bình phong che chắn cho dân làng.
Cây đa biết "di chuyển" hiện đang được ban quản lý Khu du lịch Thung Nham chăm sóc, thờ tự và gìn giữ như một chốn linh thiêng tôn quý. Hàng năm, ban quản lý cùng người dân bản địa thường làm lễ cầu bình an, sức khỏe, cầu cho quốc thái dân an.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.