Nga chưa tung vũ khí mạnh nhất
Theo ABC News, vào những ngày đầu của chiến dịch tấn công vào Ukraine, Nga đã dội tên lửa xuống từ bầu trời, cho xe tăng vượt qua biên giới và binh lính dù đổ bộ xuống lãnh thổ Ukraine. Các mũi tiến công của quân Nga vào Ukaine đến từ phía bắc, đông và nam nhưng vấp phải sự kháng cự dữ dội.
Dù vậy, Nga vẫn chưa sử dụng hết các lựa chọn quân sự của họ, theo chuyên gia chính sách quốc phòng Nga Rob Lee. Ông Lee cho rằng, Moscow cho đến nay vẫn đang kìm hãm sức mạnh hỏa lực vượt trội của họ, bao gồm cả các loại vũ khí nhiệt áp "đáng sợ".
Chỉ vài ngày trước khi ra lệnh tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã giám sát các cuộc tập trận hạt nhân chiến lược liên quan đến việc phóng tên lửa đạn đạo siêu thanh, hành trình và hạt nhân.
Trong những năm gần đây, Nga được cho là đã phát triển các công cụ chiến tranh điện tử và an ninh mạng tốt nhất thế giới, và các nhà phân tích nói rằng, họ rất ngạc nhiên khi những khả năng này vẫn chưa được Nga phát huy hết khi tấn công vào Ukraine.
"Chúng ta đang nói về pháo binh, hệ thống tên lửa phóng loạt, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tên lửa phóng từ trên không, tên lửa hải quân - Họ có những vũ khí tầm xa hơn có thể đánh trúng mục tiêu ở Kiev, nhưng Kiev không thể bắn trúng mục tiêu ở Nga", ông Lee - một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại bình luận.
"Tuy nhiên, có những thứ tầm ngắn hơn thực sự đang sợ, đó là vũ khí nhiệt áp - những thứ được sử dụng cho các mục tiêu kiên cố như chiến hào, hoặc địa hình đô thị - đó thực sự là loại vũ khí đáng sợ", ông Lee cho biết.
Ukraine kháng cự quyết liệt
Các nhà phân tích cho rằng, sự kháng cự quyết liệt của Ukraine đã gây bất ngờ cho Nga. Bất chấp những tiến bộ ban đầu của quân Nga, ông Lee tin rằng Moscow đã bị cầm chân bởi sự phản kháng ban đầu do các lực lượng phòng thủ Ukraine.
"Tôi nghĩ rằng họ (Nga) đã kỳ vọng rằng người Ukraine sẵn sàng từ bỏ vũ khí, chấp nhận thay đổi chế độ", ông Lee cho hay.
Samuel Charap, một nhà khoa học chính trị cấp cao của RAND Corporation, đồng ý rằng Nga có thể đã đánh giá thấp những khó khăn quân Nga có thể gặp phải khi cố áp đảo Ukraine.
Tại Úc, các nhân vật cấp cao về quốc phòng và an ninh quốc gia lo ngại xung đột ở Ukraine sẽ leo thang và kéo dài trong vài tháng.
Theo các quan chức này cho biết, Nga đã tập trung vào việc "vô hiệu hóa" sự kháng cự của quân đội Ukraine bằng cách phá hủy các trung tâm chỉ huy, hệ thống phòng không và cơ sở hạ tầng quốc phòng quan trọng - nhưng điều đó sẽ không diễn ra nhanh chóng.
"Họ dự định lái xe vào Kiev và thành lập một chính phủ lâm thời. Họ đang cố gắng tránh chiếm đóng lâu dài nhưng đây sẽ là lúc xác định liệu một cuộc kháng cự của Ukraine có mạnh mẽ hay không. Giao tranh sẽ kéo dài trong nhiều tháng", quan chức Úc cho biết.
Chiến sự Ukraine đã bước sang ngày thứ 3 vào thứ Bảy 26/2. Bộ Chỉ huy lực lượng không quân Ukraine thông báo đang có giao tranh dữ dội gần căn cứ không quân ở Vasylkiv, phía tây nam Kiev và nói rằng đang bị lính dù Nga tấn công.
Theo Bộ này, một trong những máy bay chiến đấu của Ukraine đã bắn rơi một máy bay vận tải của Nga. Tuy nhiên, Reuters cho biết không thể xác minh độc lập các tuyên bố này. Người dân Kiev đã được Bộ Quốc phòng Ukraine đã yêu cầu chế tạo bom xăng để đẩy lùi quân Nga.
Trước đó, vào đêm thứ Sáu 25/2, các nhân chứng cho biết đã nghe thấy những loạt đạn pháo và tiếng súng dữ dội từ khu vực phía tây của thành phố. Tiếng pháo vang lên thường xuyên, dường như cách xa trung tâm thành phố, và sau đó tiếp tục rền vang vào rạng sáng ngày thứ Bảy.
Hôm thứ Sáu, Moscow cho biết họ đã chiếm được sân bay Hostomel ở phía tây bắc thủ đô Kiev - một hậu phương tiềm tàng cho một cuộc tấn công vào Kiev khi lính dù Nga đổ bộ vào đây trong những giờ đầu tiên của cuộc chiến. Các nhà chức trách Ukraine thông báo có giao tranh ác liệt ở đó và họ sẽ nỗ lực giành lại sân bay này.
Sau nhiều tuần cảnh báo từ các nhà lãnh đạo phương Tây, Tổng thống Nga Putin đã mở chiến dịch quân sự theo 3 hướng vào Ukraine từ phía bắc, phía đông và nam hôm thứ Năm 24/2. Cuộc xung đột được cho là đe dọa phá vỡ trật tự châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Putin đã viện dẫn sự cần thiết phải "phi hạt nhân hóa" Ukraine, loại bỏ chủ nghĩa tân Quốc xã và những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở nước láng giềng là những lý do chính khiến ông phát động chiến dịch quân sự đặc biệt này.