Dân Việt

Một ông tỷ phú nông dân Đắk Lắk trồng loài cây lạ, "mới toanh", trái bán đắt như vàng, khiến cả làng muốn xem

Hoàng Ân 26/02/2022 18:14 GMT+7
Trên mảnh vườn hơn 1 ha trồng các loại cây ăn trái, ông Phạm Ngọc Thân ở thôn 4 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) tỉ mẩn chăm sóc cho những cây cherry đang độ đơm bông.

Năm 2019, ông Thân thấy nhiều người đặt mua quả cherry nhập khẩu ở các trang bán hàng online, không ít khách hàng hào phóng chi hơn nửa triệu đồng để sở hữu 1 kg cherry Mỹ.

Một ông tỷ phú nông dân Đắk Lắk trồng loài cây lạ, "mới toanh", trái bán đắt như vàng, khiến cả làng muốn xem - Ảnh 1.

Ông Phạm Ngọc Thân, thôn 4 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) chăm sóc cây cherry.

Nhận định đây là một trong những loại cây ăn trái ngoại nhập đem lại giá trị kinh tế, ông Thân dành thời gian tìm hiểu đặc tính, mày mò học kỹ thuật trồng cây cherry trên mạng Internet. Cuối năm 2019, ông quyết định đặt mua 50 gốc cherry (giống cherry Brazil) về trồng thử nghiệm.

Sau một năm chăm sóc, hơn 10 cây cherry đã cho thu hoạch, hiện nay 50 gốc cherry đều ra hoa trên vùng đất Buôn Đôn khô cằn.

Ông Thân chia sẻ: "Cây cherry được trồng thành công tại một số tỉnh thành ở nước ta, nhưng tại vùng đất Tây Nguyên thì chưa được trồng thử nghiệm. Hiện quả cherry trên thị trường có giá dao động từ 200 - 350 nghìn đồng/kg, không biết thời gian sau có còn giữ ổn định, do đó tôi muốn chờ thêm một vụ nữa rồi mới xem xét nhân rộng".

Đây không phải là lần đầu tiên lão nông Thân quyết định đưa một loại cây trồng hoàn toàn mới vào trồng trên mảnh vườn của gia đình. 

Được biết, gia đình ông có 8 ha đất chuyên trồng cà phê và tiêu. Thời điểm năm 2016, khi thấy giá hồ tiêu có chiều hướng giảm, ông chuyển đổi 4 ha sang trồng cây ăn trái và cây điều. Sau 3 năm trồng, với năng suất đạt 3,5 tấn/ha/năm, ông Thân trở thành một trong những nông dân tiêu biểu về trồng điều của huyện Buôn Đôn.

Một ông tỷ phú nông dân Đắk Lắk trồng loài cây lạ, "mới toanh", trái bán đắt như vàng, khiến cả làng muốn xem - Ảnh 3.

Cửa hàng kinh doanh phân bón của ông Phạm Ngọc Thân.

Cũng trong thời gian này, ông Thân đầu tư xây dựng 3 nhà nuôi chim yến và xây dựng thương hiệu yến sào Hoàng Thân, mang lại nguồn thu khoảng 600 triệu đồng/năm và tăng dần qua các năm. Ngoài ra, ông còn mở cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cửa hàng vật liệu xây dựng, phân bón, vật tư nông nghiệp...

Ông Thân trò chuyện, kinh tế gia đình ngày một phát triển một phần do may mắn vào thời điểm đó, UBND tỉnh định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo vùng, xã trọng điểm, trồng những giống cây mang lại kinh tế cao... đã tạo điều kiện để nông dân có động lực thực hiện. Song quan trọng hơn là do sự siêng năng, năng động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Nhờ sự dám nghĩ, dám làm, mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh của ông Thân đã đi vào hoạt động ổn định với vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng; doanh thu ước đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm và lợi nhuận trung bình 1 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức lương 6 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, ông Thân còn là người đi đầu trong phong trào “Nông dân chung tay xây dựng nông thôn mới” khi tình nguyện hiến 200 m2 đất, ủng hộ 25 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn.

Hằng năm, gia đình ông đều vận động mạnh thường quân tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện như: nấu, phát cơm từ thiện cho bệnh nhân khó khăn ở Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, Trạm Y tế xã Tân Hòa; tặng 1.000 suất quà cho trẻ em và trẻ em khuyết tật, mồ côi cha mẹ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh...

Năm 2020 gia đình cùng với các tổ chức, cá nhân trong thôn đã đóng góp và giúp đỡ bà con bị ảnh hưởng lũ lụt ở miền Trung được 5 chuyến hàng cứu trợ, trị giá 60 triệu đồng…

Ông Phạm Ngọc Thân đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021” và được vinh danh ở hạng mục “Phát minh, chuyển đổi số, nông thôn mới, an ninh Tổ quốc”.