Tại triển lãm "Đam mê" của nhóm 8 họa sĩ đang trưng bày (Hội Mỹ thuật TP.HCM, từ ngày 21/2 đến hết ngày 27/2), người yêu mỹ thuật bắt gặp một nữ họa sĩ mải miết cuộn chảy cùng niềm đam mê tranh khắc kim loại.
Nguyễn Thị Khuyên (Khuyên Nguyễn) say sưa kể về quê nhà thấm đẫm văn hoá nơi cô lớn lên trên vùng cao Đắk Lắk. Ký ức xưa hiện lên với nhà dài, vườn cây, đàn heo dưới sàn nhà, lối đi lên rẫy, con suối nhỏ dưới chân đồi...
"Tết đến, mọi người rủ nhau đi chơi, còn tôi chỉ cắm cúi ngồi ký họa. Phải ký họa lại toàn bộ những khung cảnh thân thương đó, để đến khi quay trở về thành phố có đủ tư liệu để sáng tác" – Khuyên Nguyễn bày tỏ.
Tranh của Khuyên Nguyễn thường chất chứa mộng mơ, hy vọng, vươn cao, ngay cả khi họa sĩ chỉ ghi lại thực tế là một cây đu đủ, một cây ổi, một hàng cây ven kênh mùa triều cường. "Thường thì mọi người vẽ về Tây Nguyên hay phản ánh sự hùng vĩ, mạnh mẽ, còn tôi chỉ chú ý đến cây lá xanh mướt, sự mơ mộng, lãng mạn, những đường nét mềm mại ẩn chứa trong bụi bặm nắng gió" – họa sĩ tự sự.
Tại triển lãm "Đam mê", Khuyên Nguyễn trưng bày 9 bộ tác phẩm, với mỗi tranh đều có 3 bản, gồm bản khắc đồng, bản nét và bản màu.
Nói về công việc cực nhọc và hết sức thách thức với bất cứ họa sĩ nào khi theo đuổi tranh khắc kim loại, Khuyên Nguyễn kể: "Đầu tiên, phải xử lý đồng, mài cho bóng lên đến mức có thể soi gương được. Sau khi tạo xong bản khắc, có thể tiến hành tác phẩm với hai hình thức: một là khắc nguội, hình thức này khá lâu và nét đanh, cứng; hai là khắc nóng, nghĩa là phủ lên trên mặt tấm kim loại một lớp bảo vệ, chẳng hạn như sử dụng nhựa thông, đợi khô rồi bắt đầu vẽ với những mũi kim đặc biệt".
"Mỗi bức tranh khắc kim loại có hàng ngàn chi tiết, đường nét, nên rất cực. Vẽ xong thì sẽ ngâm bản đồng trong hóa chất, canh thời gian để các nét được ăn mòn đến đúng độ mình mong muốn, rồi lại mang lên phủ và vẽ tiếp. Có những nét dày, phải ngâm tới mấy tiếng đồng hồ mới mang lên phủ và vẽ thêm nhiều lớp.
Công đoạn khắc là cực nhất, bởi vì cứ mỗi lần phủ như vậy thì phải vẽ trong "bóng tối" chứ không được nhìn thấy hết các nét đã khắc trước đó, họa sĩ phải lấy sáng theo cảm nhận, theo kinh nghiệm. Tính tôi cầu toàn, nên nhiều tác phẩm, tôi phủ tới 5-6 lần mới ưng ý" – Khuyên Nguyễn kể.
Nữ họa sĩ bày tỏ: "Chọn giấy cho tranh khắc kim loại cũng không dễ, bởi vì một tác phẩm cần có độ trường tồn, có khi đến mấy chục năm, thậm chí hàng trăm năm".
Khó khăn lớn nhất đối với họa sĩ là máy móc để có thể cán bản khắc kim loại in tranh lên giấy. Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Khuyên phải mang bản khắc đồng đến tận trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM để làm tác phẩm. Ngoài ra, để vận hành chiếc máy đó, phải nói rằng sức đàn ông cũng còn mệt. Nhưng nữ họa sĩ cho biết, may mắn là có sự hỗ trợ từ nhiều bạn bè yêu quý, hỗ trợ, nên Khuyên đã sáng tạo ra chiếc máy cán tự chế, giúp việc làm tranh khắc kim loại của họa sĩ đã được thuận lợi hơn nhiều lần.
Mặc dù vô cùng vất vả cực nhọc mới hoàn thành được những tác phẩm khắc kim loại nhưng tranh của Khuyên Nguyễn lại luôn chan chứa bình yên, mộng mơ, màu xanh của cây trái. "Tôi yêu công việc vẽ một cách vô điều kiện. Với tôi, vẽ như là thiền, khi vẽ, tôi được giải thoát. Mặc dù chuyển động của thị trường tranh khắc kim loại ở Việt Nam cực kỳ chậm chạp, qua theo dõi trên thế giới, tôi cũng mới chỉ thấy có các thị trường Mỹ, châu Âu là khả thi với thể loại tác phẩm đặc thù này.
Để tìm kiếm thế hệ tiếp nối với tranh khắc kim loại ở Việt Nam cũng vô cùng hạn chế, rất ít người theo học, càng ít người thực hành nghệ thuật với thể loại này. Thế nhưng, tôi vẫn cứ theo đuổi đến cùng sự lựa chọn tranh khắc kim loại của mình" – họa sĩ Khuyên Nguyễn khẳng định.
Trong thời gian trưng bày tranh tại triển lãm "Đam mê", đan xen giữa thời gian đi giảng dạy tại một số trường đại học và điều hành xưởng vẽ 91, hoạ sĩ Khuyên Nguyễn vẫn ráng đầu tư, dành hết tâm huyết tiến hành hai ngày workshop thu hút khá đông các bạn trẻ tham dự, truyền đi sự hào hứng, niềm đam mê với tác phẩm khắc kim loại.
Workshop thứ nhất đã diễn ra ngày 24/2, workshop thứ 2 diễn ra ngày Chủ Nhật 27/2, cũng là ngày cuối cùng của triển lãm "Đam mê" của nhóm 8 họa sĩ.