Gần đây, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã đề xuất loạt gói trừng phạt đối với các ngân hàng và doanh nghiệp Nga, đóng băng tài sản và hạn chế khả năng huy động vốn quốc tế của họ sau khi chiến sự Nga - Ukraine từ hôm 24/2.
Và mới đây hàng loạt các quốc gia như Mỹ, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Hungary bày tỏ sự ủng hộ đối với một biện pháp tài chính mà Vương quốc Anh đề xuất, đó là cấm Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT). Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã kêu gọi cắt Nga khỏi hệ thống SWIFT. Tuy nhiên, một số nước châu Âu không ủng hộ đề xuất này. Lý do vì họ cho rằng, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến các ngân hàng Nga mà còn khiến các chủ nợ châu Âu khó lấy lại tiền từ Nga.
Được biết, SWIFT là hiệp hội doanh nghiệp độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống nhắn tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức này có một mạng nhắn tin được các ngân hàng sử dụng rộng rãi để gửi và nhận các lệnh chuyển tiền hoặc thông tin. Nó được điều hành bởi một hội đồng gồm 25 thành viên và tổ chức này được giám sát bởi các ngân hàng trung ương G10, cũng như Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Hệ thống được thành lập vào năm 1973 để giúp việc chuyển tiền xuyên biên giới hiệu quả hơn và đã trở thành yếu tố quan trọng đối với cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu. Nó thay thế công nghệ Telex mà hầu hết các ngân hàng sử dụng trước đầu những năm 1970. Swift cũng xử lý hơn 5 tỷ tin nhắn tài chính mỗi năm, hỗ trợ thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng và an toàn, đồng thời cho phép thương mại quốc tế diễn ra suôn sẻ. Ứớc tính hiện tại có hơn 11.000 tổ chức đã gửi trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày qua mạng Swift vào năm 2021, nhiều hơn 11,4% so với năm 2020.
Theo Hiệp hội Swift Quốc gia Nga, sau khi Ngân hàng Trung ương Nga tham gia Swift vào năm 1983, đã có khoảng 600 tổ chức tài chính trong nước sử dụng hệ thống này. Thế nên, việc cấm Nga tham gia hệ thống nhắn tin tài chính có nghĩa là các ngân hàng Nga không còn có thể sử dụng hệ thống này để thực hiện hoặc nhận thanh toán với các tổ chức tài chính nước ngoài cho các giao dịch thương mại. Nói cách khác, một lệnh cấm hoàn toàn có thể thắt chặt dây thòng lọng đối với Moscow, làm tê liệt hệ thống tài chính của nước này, và cắt giảm nghiêm trọng khả năng giao dịch toàn cầu của nước này.
Nếu Nga bị cấm sử dụng nền tảng này, các doanh nghiệp nước này sẽ rất khó mua hàng nhập khẩu và được thanh toán cho hàng hóa xuất khẩu của họ. Các nhà xuất khẩu nước ngoài sẽ thấy việc vận chuyển hàng hóa đến Nga là nguy hiểm và tốn kém. Điều đó cũng bao gồm làm ảnh hưởng đến lợi nhuận quốc tế từ sản xuất dầu và khí đốt, vốn đã chiếm hơn 40% doanh thu của Nga.
Trong thực tế, Nga phụ thuộc rất nhiều vào SWIFT do giao dịch để xuất khẩu hydrocacbon bằng đô la Mỹ. Việc cắt giảm này sẽ chấm dứt tất cả các giao dịch quốc tế, kích hoạt sự biến động tiền tệ và gây ra rối loạn dòng vốn lớn.
Trong khi đó, ngân sách liên bang của Nga phụ thuộc rất nhiều vào thuế thu được từ việc xuất khẩu nguyên liệu thô như dầu và khí đốt, nên lệnh cấm này sẽ gây khó khăn cho việc bán hàng và làm hao hụt số tiền thu được cần thiết cung cấp cho ngân sách của đất nước.
Cũng theo các chuyên gia quốc tế, các tổ chức tài chính của Nga xử lý khoảng 46 tỷ đô la các giao dịch ngoại hối mỗi ngày - 80% trong số đó được tính bằng đô la Mỹ. SWIFT xử lý 42 triệu lượt kiều hối mỗi ngày, trong đó các tổ chức tài chính Nga chiếm 1,5% tính đến năm 2020.
Sẽ có tác động trở lại vì động thái này sẽ làm gián đoạn dòng chảy của dầu và khí đốt từ Nga sang các nước khác. Ví dụ, EU phụ thuộc vào Nga với 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu. Ngoài ra, các ngân hàng châu Âu là một trong những chủ nợ lớn nhất đối với Nga, chiếm một phần lớn trong số 121 tỷ USD mà Nga nợ các ngân hàng nước ngoài, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho hay. Thế nên, việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ đặt ra câu hỏi về việc Moscow sẽ trả nợ nước ngoài như thế nào.
Lệnh cấm Swift có thể có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga và khiến cuộc sống hàng ngày của người dân Nga trở nên khó khăn. Như trường hợp của Iran, người Nga sẽ không thể sử dụng thẻ tín dụng ở nước ngoài và khách du lịch đến thăm đất nước này sẽ không thể thanh toán bằng thẻ của họ.
Nói tóm lại, đây có thể là một đòn giáng nặng nề đối với thương mại của Nga, trị giá 797,9 tỷ USD vào năm ngoái, tương đương 46,6% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Còn những người ủng hộ lệnh cấm SWIFT coi động thái này là một bước đi hợp lý nhằm gây áp lực kinh tế tối đa lên chế độ Putin khi nước này bắt tay vào một chiến dịch quân sự khó khăn và tốn kém.
Nga là một nền kinh tế lớn hơn nhiều so với Iran và hội nhập sâu rộng vào cộng đồng tài chính toàn cầu, vì vậy tác động của việc cắt giảm Nga khỏi SWIFT sẽ lớn hơn nhiều so với trường hợp của Iran. Elina Ribakova, nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết, Nga sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn kinh tế đáng kể trong một khoảng thời gian, đặc biệt là đối với thanh toán xuyên biên giới, trước khi nước này điều chỉnh vận hành theo các nền tảng mới. Elina Ribakova nói, sự gián đoạn có thể khiến nền kinh tế Nga co lại và khiến đồng rúp Nga lao dốc trong ngắn hạn.
Trong khi một số quan chức và nhà phân tích gọi SWIFT là lựa chọn "vũ khí tài chính hạt nhân" , Maria Shagina, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu tại Đại học Zurich nói rằng đó là một sự phóng đại. Nga sẽ vẫn được phép thực hiện các giao dịch quốc tế thông qua các nền tảng khác, mặc dù các nền tảng đó kém hiệu quả hơn.
Phía Washington đã không loại trừ việc ngăn chặn quyền truy cập của Nga vào hệ thống thanh toán quốc tế này. Tuy nhiên, một số nước châu Âu không ủng hộ đề xuất này. Lý do vì họ cho rằng, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến các ngân hàng Nga mà còn khiến các chủ nợ châu Âu khó lấy lại tiền. Họ cũng lưu ý rằng, Nga đã và đang phát triển một hệ thống thanh toán thay thế khác.
"Về mặt kỹ thuật" Nga có thể thực hiện quá trình chuyển đổi nếu họ bị cắt khỏi SWIFT, dù trước mắt nó vẫn sẽ là một cú sốc lớn đối với hệ thống tài chính của Nga" trong một khoảng thời gian", Maria Shagina nói.
Phía đại diện Hiệp hội SWIFT cho biết trong một tuyên bố: "Bất kỳ quyết định nào về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia hoặc tổ chức cá nhân chỉ thuộc về các cơ quan chính phủ có thẩm quyền và các nhà lập pháp hiện hành; Được hợp nhất theo luật của Bỉ, nghĩa vụ của chúng tôi là tuân thủ các quy định liên quan của EU và Bỉ".
Trước mắt, quyết định cần có sự nhất trí giữa 27 quốc gia cho nên phía EU thông báo họ sẽ đánh giá hậu quả của việc cắt Nga khỏi SWIFT trước khi quyết định có sử dụng "vũ khí tài chính khắc nghiệt" này hay không. Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết các thể chế của Nga đã có khả năng đối phó với các lệnh trừng phạt tốt hơn trước, mặc dù điều đó không có nghĩa là họ sẽ không bị tổn thương.
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu chưa quyết định cắt Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT như một phần của lệnh trừng phạt của họ đối với Moscow vì xâm lược Ukraine, nhưng có thể xem xét lại vấn đề đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết.
Nga đã nói gì?
Nikolay Zhuravlev, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga đã thừa nhận nguy cơ nước này bị loại khỏi SWIFT là một khả năng có thể xảy ra. "SWIFT là một hệ thống dàn xếp, nó là một dịch vụ. Do đó, nếu Nga bị ngắt kết nối với SWIFT, thì chúng tôi sẽ không nhận được ngoại tệ, nhưng người mua, các nước châu Âu sẽ không nhận được hàng hóa của chúng tôi - dầu, khí đốt, kim loại và các thành phần quan trọng khác từ hàng nhập khẩu". Zhuravlev cũng lưu ý rằng, mặc dù SWIFT rất tiện lợi, nhưng nó không phải là cách duy nhất để chuyển tiền và một quyết định như đình chỉ một quốc gia khỏi SWIFT sẽ phải cần sự nhất trí của các thành viên.
Huỳnh Dũng -