Mới đây, một số giáo viên một trường THCS ở Hà Nội tủi thân phản ánh vì bị F0 nhưng bị trừ điểm thi đua rất vô lý, thiếu tình người. Cụ thể thay vì được động viên, chia sẻ lúc ốm đau thì số giáo viên này đã bị trừ điểm thi đua vì nghỉ dạy trực tiếp.
Thông tin trên gây hoang mang, bức xúc trong dư luận bởi trên thực tế, nỗi vất vả của giáo viên không phải ai cũng hiểu. Một mặt giáo viên phải thực hiện đúng theo chỉ đạo của nhà trường, phòng, sở giáo dục, một mặt phải vững tinh thần, là nguồn động lực bởi nếu không, ý chí quyết tâm đi học trực tiếp trở lại của phụ huynh, học sinh sẽ bị lung lay. Nhất là những giáo viên bị F0 vẫn đang nỗ lực mỗi ngày để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Chia sẻ với PV, cô Hoàng Thị Thanh N, một giáo viên dạy THCS chia sẻ, khi học sinh đi học lại, thầy cô nháo nhào đi tìm phương án công nghệ tốt nhất để vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến.
Tuy nhiên, chỉ 1 tuần sau khi "cơn bão" công nghệ nổi lên thì giáo viên mới nhận được một số tín hiệu không mấy khả quan từ phụ huynh và học sinh. Cô N kể, việc dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến vô cùng nan giải. Ví dụ như cô đang giảng bài thì một phụ huynh nói: "Cô ơi! Cô chỉnh lại camera đi, chữ mờ lắm". Một lúc sau lại tiếng: "Cô ơi, cô giảng bé quá em nghe không rõ", "Cô ơi! Cô đứng lấp hết chữ trên bảng rồi ạ"... Cứ thế là cả trăm câu "Cô ơi" trong mỗi tiết dạy học của cô ở lớp.
Học sinh không nghe được bài, cô lại tiếp tục đi sắm loa để khuếch đại âm thanh, camera mờ thì cô chiếu gần lại khiến không gian di chuyển của cô bị khép dần và chiếc dây kết nối camera với máy tính làm cô suýt ngã đôi lần.
Khó khăn, xoay vần liên tục nhưng giáo viên vẫn phải dạy không ngừng, đôi khi lớp học chỉ có 1 học sinh hoặc chỉ mình cô độc thoại ở lớp là bình thường.
"Ngày thường ngoài giờ lên lớp giáo viên vừa làm việc nhà như mọi ngày, soạn giáo án và nghiên cứu bài dạy. Nhưng những ngày tháng Covid-19 này công việc của giáo viên đội lên gấp nhiều lần. Soạn giáo án để giảng dạy, soạn Power point để trình chiếu bài giảng, lên kế hoạch online cho khối, cho cá nhân, đánh giá học sinh học online theo tiết, theo ngày để cấp trên kiểm tra có bằng chứng án tại hồ sơ, làm video và gửi video cho học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Nhiều giáo viên than vãn về sự vất vả và mỏi mệt vì quá nhiều hồ sơ, giấy tờ nhưng ban giám hiệu không thể cho phép giảm.
Công nhân F0 nghỉ làm, học sinh F0 nghỉ học, nhưng giáo viên F0 vẫn ngày lại ngày dạy trực tuyến. Một số giáo viên quá mệt mỏi không thể lên lớp giáo viên khác trong trường dạy thay. Mà dạy hộ nhau thôi vì không ai nỡ để người bị F0 kia bị ăn lương bảo hiểm. Giáo viên vốn đã vất vả lại chồng thêm vất vả, ngày nối ngày buồn vui xen nhau lẫn lộn", cô N ngậm ngùi.
Cô Lê Thị Thu, giáo viên lớp 2, Trường Tiểu học Thủ Lệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội kể, mặc dù cả gia đình là F0, bản thân cô ho sốt nhưng vẫn cố gắng dạy học buổi tối vì không muốn nhờ giáo viên khác dạy hộ. "Giáo viên dạy thay chưa nắm được tình hình lớp sẽ khó bắt nhịp, học sinh thì hoang mang, chính vì vậy dù cơ thể mệt mỏi vì mắc Covid-19 nhưng mình vẫn cố gắng dạy cho các con để đảm bảo chương trình", cô Thu cho hay.
Theo chia sẻ của cô Thu, gia đình cô có 4 người thì lần lượt bị F0. Khi chồng cô là F0 phải cách ly trong phòng, cô Thu vừa lo cơm nước cho chồng, vừa chăm 2 con nhỏ 6 và 3 tuổi và duy trì dạy học. Sau đó, cô Thu và 2 con cũng bị F0, sốt cao, cô Thu vẫn đều đặn dạy học từ 19-21h mỗi buổi tối.
"Rất may nhà trường cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho giáo viên bị F0. Những ai ốm nặng không thể dạy, nhà trường sẽ bố trí người đứng lớp thay, tuy nhiên, giai đoạn này cũng rất vất vả với giáo viên, đòi hỏi sự cố gắng của mỗi người", cô Thu bày tỏ.
Cô Trần Hằng, giáo viên dạy Văn, Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: "Mình bị F0 từ 5 ngày nay nhưng không dám nghỉ vì số lượng giáo viên bị F0 trong tổ Văn - Sử bị quá nhiều. Nếu mình không cố gắng thì người khác phải dạy thay mà mỗi người đều đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, bây giờ lại dạy thêm phần của người khác sẽ rất vất vả".
Hiện cô Hằng đang chủ nhiệm lớp 7 và dạy môn Văn cho các lớp khác. Tổng số tiết cô Hằng dạy mỗi tuần là 20 tiết. "Mình dạy lâu năm nên việc soạn giáo án không thành vấn đề, chỉ là sức khỏe không đảm bảo để dạy học sinh tốt như mong muốn. Mình đã tiêm 3 mũi vaccine, khi mắc Covid-19 bị nhiều triệu chứng như sốt, ho, ngạt mũi, đau đầu, đau xương khớp...", cô Hằng cho hay.
Được biết, trong tổ của cô Hằng có hơn 20 người nhưng có hơn 10 giáo viên bị F0. Ngoài bố trí dạy online, các giáo viên phải phân công người đến dạy 13 lớp 9 hiện đang học trực tiếp tại trường nên không ai dám nghỉ vì quá thiếu người.