F0 tăng nhanh, học sinh nghỉ học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến

Anh Tuấn Thứ hai, ngày 28/02/2022 12:00 PM (GMT+7)
Tại nhiều địa phương, do số ca F0 liên tục tăng nên ngành giáo dục buộc phải chuyển hình thức học sang trực tuyến.
Bình luận 0

Tại Hà Nội, chiều 27/2, UBND TP.Hà Nội đã có công văn điều chỉnh hình thức dạy học tại các trường để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, học sinh các khối lớp 1-6 của 18 huyện, thị xã học trực tuyến. Thời gian bắt đầu từ ngày 28/2 cho đến khi có thông báo mới.

Các lớp từ 7-12 của các trường THCS và THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên tiếp tục triển khai đi học trực tiếp theo kế hoạch.

Đối với học sinh trên địa bàn 12 quận, lớp 1-6 tiếp tục học trực tuyến. Học sinh các khối lớp 7-12 học tiếp theo kế hoạch. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Tại Gia Lai, chiều 26/2, Phòng GDĐT TP.Pleiku đã có công văn 121/PGDĐT về việc triển khai công tác phòng, chống dịch và thay đổi hình thức dạy học. Theo đó, học sinh mầm non và tiểu học tại các cơ sở giáo dục trong thành phố sẽ chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến từ ngày 28/2.

F0 tăng nhanh, học sinh nghỉ học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến  - Ảnh 1.

Các em học sinh bậc tiểu học trên địa bàn TP.Pleiku tạm dừng đến trường từ ngày 28/2. Ảnh: Mộc Trà/Báo Gia Lai

Tại Quảng Ninh, Sở GDĐT vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục về việc tổ chức dạy học nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Cụ thể, đối với cấp mầm non: Tiếp tục cho trẻ em nghỉ học từ ngày hôm nay, 28/2 đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, nếu gia đình trẻ nào do điều kiện không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà và có nguyện vọng đưa trẻ đến trường thì cơ sở giáo dục vẫn bố trí đón trẻ và tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo an toàn.

Đối với cấp tiểu học: Tiếp tục cho học sinh học trực tuyến từ ngày 28/2 đến khi có thông báo mới.

Đối với cấp THCS, THPT và các cơ sở GDTX (bao gồm cả các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống), Sở yêu cầu người đứng đầu các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương ác định đúng nguy cơ, mức độ lây lan dịch bệnh để kịp thời xem xét, quyết định hình thức dạy học cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Tại Lâm Đồng, đối với bậc mầm non, tiểu học và lớp 6, khi cấp độ dịch trên địa bàn là cấp 3 (nguy cơ cao) và cấp 4 (nguy cơ rất cao) thì cấp tiểu học và lớp 6 chuyển sang dạy học trực tuyến, bậc mầm non tạm dừng đón trẻ tới trường.

Theo thống kê của ngành y tế Lâm Đồng đến ngày 23/2, toàn tỉnh có 140 giáo viên và 997 học sinh là F0, 100 giáo viên và 5.443 học sinh là F1.

Từ giữa tuần trước, nhiều trường tiểu học và lớp 6 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến do xuất hiện các ca F0, hầu hết trường mầm non tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) tạm dừng đón trẻ trường.

Tại Hà Nam, từ ngày 23/2, toàn bộ trẻ mầm non được tạm nghỉ học ở trường cho đến khi có thông báo mới. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tạm dừng việc học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến trong thời gian 2 tuần.

Tại Ninh Bình, Sở GDĐT Ninh Bình cho biết, căn cứ vào thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo các hoạt động giáo dục thích ứng an toàn với dịch bệnh, các trường tiếp tục tạm dừng đến trường với học sinh tiểu học đến khi có thông báo mới.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Côn Đảo đã cho học sinh mầm non, học sinh phổ thông dừng đến trường từ 22/2 do ca Covid-19 xuất hiện ngày càng nhiều.

Trước đó, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, các địa phương như TP.Lào Cai (Lào Cai), TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ… đã cho học sinh dừng tới trường, học trực tuyến.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem