Hang Bụt thuộc khu du lịch Thung Nham (tỉnh Ninh Bình), với chiều dài 500 mét, trần động có nơi cao nhất 40 mét, nơi rộng nhất 30 mét.
Clip khám phá hang Bụt Ninh Bình với những khối đá giống hình người
Để khám phá hang Bụt, du khách được ngồi trên thuyền, mặc áo phao…Trong quá trình tham quan không bỏ tay ra phía ngoài mạn thuyền, tránh các thuyền khác cũng đi vào hang dễ va chạm, gây mất an toàn.
Đặc biệt, du khách khi tham quan hang Bụt sẽ được người lái đò cung cấp đèn pin quan sát trong động tối. Và hơn hết là trực tiếp quan sát hình tượng ông Bụt, dải lụa mình rồng, nàng tiên đang nằm, nụ hoa đào đang bung cánh mỏng…
Hang Bụt hoàn toàn là một hang động tự nhiên, hệ thống măng nhũ đá phát triển với muôn hình vạn trạng khác nhau. Trong hang phát triển đa dạng hình thái măng, nhũ đá (măng nhũ, nhũ đá, măng đá sống, măng đá chết).
Để gọi là hang Bụt bởi trong hang có hình tượng khối nhũ đá giống hình ảnh ông Bụt hiện diện. Đồng thời, hang động người dân bản địa phát tích được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Chuyện kể rằng, khi xưa cuộc sống của người dân làng Nham gặp rất nhiều khó khăn, mất mùa đói kém xảy ra triền miên…Để có nguồn thức ăn, dân làng phải lần tìm đường qua các dãy núi.
Cũng vào năm đó, mưa lớn ngập úng các đầm lầy lau sậy trong Thung, người dân đi dọc theo đường núi thì thấy dòng nước rút mạnh về phía trong chân núi. Khi phát quang từ chân núi, hiện cửa hang, chính là hang Bụt ngày nay.
Du khách có dịp tới hang Bụt tham quan sẽ nhận thấy, nằm chính giữa hang động là khối nhũ đá cao 1,5m, rộng 2m, mang dáng vóc giống như một cụ ông phúc hậu đang ngồi hướng quay ra phía cuối hang, mà người dân gọi ông với cái tên ông Bụt.
Người dân nơi đây quan niệm, ông Bụt luôn hiện hữu bên cạnh dòng sông ngầm để ban tặng những điều may mắn, tốt lành cho những con người sinh sống quanh hang.
Khi tham quan hang Bụt, người dân địa phương, du khách luôn cúi đầu để tỏ lòng thành kính và cầu nguyện điều may mắn. Đặc biệt, không ai soi đèn thẳng phía chính diện (khuôn mặt) ông Bụt khi vào hang.