Thông tin này được xác nhận bởi Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt và dự kiến chuyến đầu tiên xuất phát Đà Nẵng vào đầu tháng 3.
Về lộ trình chạy tàu, đoàn tàu sẽ gồm 23 container 40 feet, chạy từ Đà Nẵng đến Đông Anh (Hà Nội) bằng đường sắt khổ 1.000mm, sau đó chuyển toàn bộ container sang toa khổ 1.435mm.
Tàu sẽ tiếp tục chạy đến ga liên vận quốc tế Đồng Đăng, làm thủ tục thông quan sang đường sắt Trung Quốc, đến ga Trịnh Châu và kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích.
Đoàn tàu chuyên chở hàng nội thất của hãng IKEA xuất châu Âu. Hàng sẽ được trả tại nhiều thành phố như Liege (Bỉ), Hamburg (Đức), Melzo (Italia)...
Việc chạy tàu Container tới châu Âu trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine đang căng thẳng là do hãng IKEA là một trong những khách hàng có khối lượng hàng từ Việt Nam đi châu Âu bằng đường sắt lớn nhất.
Hiện họ đã xuất hàng bằng đường sắt được khoảng 900 FEU (tương đương 1.800 TEU). Từ trước đến nay, hàng được gom tại các điểm về Hà Nội bằng đường sắt hoặc đường bộ để lập tàu liên vận quốc tế.
Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt cho biết, từ tháng 3/2022, đường sắt mở 3 điểm gom hàng lớn.
Cụ thể, tại miền Bắc là Hà Nội, tại miền Trung là Đà Nẵng và tại miền Nam là Trảng Bom (Đồng Nai), từ các điểm này lập các đoàn tàu chuyên container liên vận quốc tế chạy thẳng. Như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí logistics cho khách hàng.
Trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam sẽ có những chuyến tàu container đi châu Âu, trước đó, vào năm 2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến tàu liên vận quốc tế hàng hoá tới Châu âu bằng hình thức gom container về các ga tập kết tại Trung Quốc và nối vào các đoàn tàu Trung Quốc đi tiếp đến điểm trả hàng, chưa theo hình thức nguyên đoàn container.
Sau chuyến tàu khai trương đi Bỉ, đường sắt duy trì hàng tuần khoảng 3 đoàn tàu chuyên container xuất phát tại ga Yên Viên đi châu Âu. Đến nay, hình thức tàu liên vận quốc tế này ngày càng phát triển, được nhiều khách hàng lựa chọn.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030 về vận tải, ngành đường sắt sẽ vận chuyển được khối lượng hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%. Quy hoạch sẽ hoàn thành, cải tạo nâng cấp để khai thác hiệu quả bảy tuyến đường sắt hiện có, quy hoạch thêm chín tuyến đường sắt mới.
Liên quan tới việc vận chuyển hàng hoá tới châu Âu, trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2022, đường sắt sẽ tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa, mở rộng thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc - Nam, container lạnh chở hoa quả, thực phẩm….
Đồng thời, khai thác tối đa khối lượng vận tải hàng hóa tại các khu công nghiệp, nhà máy, cảng biển có kết nối với đường sắt quốc gia, tích cực tham gia vào chuỗi logistics.
Đẩy mạnh tàu hàng liên vận quốc tế, "chúng tôi sẽ xúc tiến các biện pháp tháo gỡ các nút thắt cơ chế, chính sách để nâng cao sản lượng các tuyến Hải Phòng - Lào Cai - Hà Khẩu-Côn Minh, Hà Nội - Đồng Đăng - Bằng Tường - Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc và đi các nước thứ ba; tăng cường thu hút hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu bằng đường sắt", ông Minh cho hay.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng công ty chủ động đề xuất các giải pháp, cơ chế cụ thể thúc đẩy vận tải nội địa, nhất là tuyến bắc-nam và vận tải hàng đi châu Âu.
Định hướng cho ngành đường sắt, Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với vận tải nội địa, cần rà soát, xác định một số ga hiện hữu còn quỹ đất hoặc có thể mở rộng, nâng cấp kho bãi thành điểm tập kết hàng hóa bằng đường bộ, từ đó vận chuyển bằng tàu. Cơ chế đầu tư có thể theo hướng tự chủ 100% vốn hoặc liên doanh, liên kết, kêu gọi vốn. Cần mạnh dạn đề xuất và đầu tư đồng bộ để đẩy mạnh khai thác vận tải hàng hóa.