Ngân hàng Trung ương Nga vừa cho biết họ sẽ mua vàng từ thị trường nội địa sau hai năm gián đoạn nhằm thiết lập ổn định tình hình tài chính.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo rằng việc bán vàng dự trữ không còn xa khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mới và đồng rúp giảm sâu.
Nền kinh tế Nga đang bắt đầu bị cô lập sau khi phương Tây thực hiện các lệnh trừng phạt ngân hàng trung ương của Nga và loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Trước đó, Nga đã dành nhiều năm để tăng cường dự trữ vàng. Năm ngoái, giá trị vàng của Nga trong kho dự trữ ngoại hối của nước này đã lần đầu tiên vượt qua mức nắm giữ đô la Mỹ của quốc gia này.
Vào cuối tháng 6/2020, tổng dự trữ vàng của quốc gia này như một phần của dự trữ ngoại hối đã tăng ở mức 22,9%.
Theo dữ liệu mới nhất của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến cuối tháng 1/2022, Nga nắm giữ gần 2.300 tấn vàng - là quốc gia sở hữu vàng lớn thứ năm trên thế giới.
Trong khi đó, vàng đã tăng giá trước việc Nga tấn công Ukraine. Các nhà đầu tư tìm đến kim loại quý như là kênh trú ẩn an toàn để bảo vệ tài sản.
Trong tháng 2, giá vàng đã tăng 120 USD/ounce và có thời điểm bật lên mức 1.962 USD/ounce, cao nhất trong vòng 18 tháng qua.
Không chỉ có các nhà đầu tư dịch chuyển vào vàng để bảo toàn tài sản mà các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng tích cực gom vàng.
Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới, từ năm 2016 -2019, Ngân hàng Trung ương Nga liên tiếp dẫn đầu thế giới là quốc gia mua vàng nhiều nhất trên thế giới với tổng khối lượng mua vào trong bốn năm liên lên đến 856,62 tấn.
Mua vào với khối lượng khủng nhưng trong suốt một thập kỷ qua, Nga chỉ bán ra duy nhất 6,22 tấn trong quý I và quý II/2021.
Tương tự, các quốc gia khác cũng chỉ tăng thu mua vàng để tăng dự trữ vàng - ngoại hối lên mức cao và số lượng bán ra không đáng kể.
Chẳng hạn như Đức trong 10 năm liền từ 2010 – 2020 đều có động thái bán vàng, nhưng số lượng vàng bán ra cao nhất vào năm 2010 cũng chỉ có 5,82 tấn và thấp nhất là vào năm 2014 với 2,95 tấn.