Dân Việt

F0 tăng mạnh: Mua test nhanh, máy SpO2 thế nào để đảm bảo chất lượng? (bài 4)

Diệu Linh - Gia Khiêm 04/03/2022 13:00 GMT+7
Nhiều người hốt hoảng tìm mua các loại thiết bị, thuốc điều trị Covid-19 tại nhà khiến thị trường… cháy khét. Các chuyên gia y tế nhận định, người dân đừng lo lắng thái quá, mua thuốc, kit test trôi nổi mà "tiền mất tật mang".

Như Dân Việt phản ánh, F0 tăng nhanh tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc khiến nhiều người hốt hoảng tìm cách tự điều trị tại nhà khiến thuốc điều trị Covid-19, kit test nhanh, máy SpO2, thậm chí cả thuốc bổ phế, nước muối súc miệng, chanh, sả đều… cháy hàng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc tích trữ các mặt hàng trên đều không quan trọng bằng việc theo dõi sức khỏe để có cách xử lý đúng triệu chứng, đúng thời điểm, đúng thuốc…

Đồng thời cũng không cần thường xuyên dùng kit test nhanh để "test cho ra Covid-19" vì chỉ test đúng thời điểm, đúng triệu chứng mới có thể "ra bệnh".

Việc không ít gia đình "thần hồn nát thần tính" tets nhanh hàng ngày vừa tốn kém vừa không cần thiết, thậm chí chủ quan phòng dịch khi thấy mình là "người âm".

Mua kit test nhanh phải xem kỹ mẫu mã, nhãn mác

Về việc người dân "loạn test nhanh" để tìm cho ra "Covid-19" khiến cho nhu cầu kit test trên thị trường tăng cao, TS Nguyễn Minh Lợi - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã có các hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 (ho, sốt, sổ mũi, đau đầu) và những trường hợp F1 (tiếp xúc gần với F0 có nguy cơ cao lây bệnh) mới cần thiết xét nghiệm. 

F0 tăng nhanh: Mua test nhanh, máy SpO2 thế nào để đảm bảo chất lượng?(kỳ 4) - Ảnh 1.

F0 bùng phát khiến nhiều người ám ảnh mình mắc Covid-19 nên test nhanh thường xuyên dù không có triệu chứng. (Một nhân viên văn phòng tại Hà Nội tự tets nhanh. Ảnh Minh Yến)

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi test nhanh cho mình và gia đình, tránh trường hợp test không cần thiết, gây lãng phí cho gia đình và tạo sức ép lên thị trường.

Đồng thời, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, không đảm bảo kết quả chính xác, TS Lợi cũng tư vấn người dân nên mua kit test nhanh ở các cơ sở được cấp phép mua bán, hàng hóa phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, là các sản phẩm được lưu hành trên thị trường, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành. 

"Các sản phẩm phải ghi rõ nhãn mác đầy đủ, thông tin chủng loại, hãng, nước sản xuất và có tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt", TS Lợi nhận định.

Trước đó, khuyến cáo về việc sử dụng kit test nhanh, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, kit test nhanh Covid-19 muốn nhập khẩu và lưu hành, mua bán phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép theo các quy định tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT. 

Theo quy định về nhãn mác, các sản phẩm kit test nhanh Covid-19 đảm bảo thì trên nhãn mác phải ghi số lưu hành và số giấy phép nhập khẩu/sản xuất đã được cấp.

"Người dân không nên mua các kit test nhanh không có nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường, trên mạng xã hội. Việc sử dụng các sản phẩm kit test nhanh không được cấp phép, không rõ nguồn gốc sẽ cho kết quả không chính xác. Nếu "dương" mà thành "âm" thì sẽ chủ quan và phát tán virus cho chính gia đình mình và cộng đồng", ông Thuấn khuyến cáo.

Về việc giá kit test nhanh Covid-19 tăng trong thời gian qua, ngày 3/3, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, khi xuất hiện chủng Omicron khiến lượng F0 tăng cao dẫn đến nhu cầu người dân cũng tăng theo, trong khi đó nguồn "cung" chưa đáp ứng đủ "cầu" nên dẫn đến giá tăng mạnh.

Khi nhận thấy tình hình trên, Bộ Y tế đã họp với các bộ, ngành có liên quan bàn về vấn đề này; đồng thời họp với khoảng 100 đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm này nhằm tìm giải pháp đáp ứng đủ nguồn cung. Bên cạnh đó, Bộ cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra việc "găm hàng, tăng giá", yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh công khai giá bán buôn, bán lẻ…

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý đối với người dân: "Chỉ nên mua kit test nhanh Covid-19 khi cần, dùng đến đâu mua đến đó".

Lấy mẫu test nhanh phải đúng thời điểm

PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (Đại học Y Hà Nội) cho rằng, người dân chỉ thực sự cần test nhanh khi có dấu hiệu nghi ngờ, cụ thể, có triệu chứng sốt, đau rát họng, ho, đau nhức người, mất vị giác. 

Ngoài ra, người dân cần test nhanh vào ngày thứ 3 sau khi tiếp xúc với F0, khi đó mới là thời điểm virus "phát tác" (nếu có) để cho kết quả test nhanh chính xác. Còn nếu vừa tiếp xúc với F0 mà đã test nhanh thì sẽ không thể có kết quả đúng và gây lãng phí.

PGS Hải cũng cho biết, nếu F0 điều trị tại nhà thì nên sau 5-7 ngày hãy tự test nhanh lại 1 lần, thậm chí sau 10 ngày phát hiện bệnh để biết mình đã "âm" hay chưa. Còn nếu xét nghiệm sớm hơn thì vẫn chỉ ra "dương" mà lại lãng phí. Cẩn thận hơn, người bệnh có thể test 2 lần để xác định mình hoàn toàn khỏi bệnh hay chưa.

"Việc một số người dân ngày nào cũng test nhanh để "cho ra bệnh" là lãng phí, không cần thiết. Trừ trường hợp họp, gặp mặt đông người thì mỗi người cần tets nhanh để đảm bảo an toàn cho hội nghị. Vì trong đám đông có thể có người vẫn không có triệu chứng vẫn có thể mang virus. Còn lại người dân không nên test nhanh hàng ngày sẽ rất tốn kém mà cũng không có kết quả chính xác", ông Hải nhấn mạnh.

F0 tăng nhanh: Mua test nhanh, máy SpO2 thế nào để đảm bảo chất lượng?(kỳ 4) - Ảnh 3.

Test nhanh phải lấy mẫu đúng đối tượng, đúng thời điểm mới cho kết quả chính xác. Ảnh minh họa Pixabay

Về những sai lầm khi người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.Hồ Chí Minh) cho biết, sai sót thường thấy của người dân khi tự test nhanh là do sợ đau, sợ nhột nên đưa que lấy mẫu vào mũi không đủ sâu, không đến đúng vị trí lấy mẫu- nơi có đủ tải lượng virus để cho kết quả xét nghiệm chính xác. Hoặc đưa que vào mũi quá mạnh khiến que bị gập nên cứ tưởng đã rất sâu nhưng lại chưa đủ độ. 

PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y Học gia đình & Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng cho biết, hiện nay, trên mạng xã hội cho rằng nếu test nhanh có 2 vạch đậm là nhiều virus và bệnh nặng, nhạt là ít virus và bệnh nhẹ là không chính xác.

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, hai vạch hay 1 vạch là cho kết quả "dương" hay "âm" chứ không có khuyến cáo về việc đậm, nhạt của vạch.

"Người dân nên đưa que vào mũi từ từ. Tự cảm nhận quá trình que "chạy" vào mũi, đến khi thấy hơi nóng rát là đã đúng vị trí lấy mẫu.

Nếu lấy mẫu cho trẻ em thì nên giữ chặt đầu bé trước khi lấy mẫu và đưa que vào từ từ. Vì trẻ ít hợp tác nên thường quẫy mạnh, đưa que không đủ sâu sẽ không có kết quả chính xác.

Ngoài ra, người dân nên lựa chọn các loại kit test được Bộ Y tế cấp phép, nếu là que nhập khẩu phải có hướng dẫn sử dụng tiếng Việt; tuân thủ lấy mẫu theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất", bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, một số người dân khi lấy mẫu thọc quá sâu gây chảy máu và vẫn dùng que có máu đề xét nghiệm thì sẽ không cho xét nghiệm chính xác.

Hoặc khi lấy mẫu lại ăn uống, đánh răng, súc miệng, xông họng, xịt mũi, hút thuốc… thì việc lấy mẫu xét nghiệm trong hầu họng thì sẽ không có kết quả chính xác. Do đó, cần phải đợi ít nhất 30 phút sau khi làm các việc trên thì mới cho kết quả tốt.

Ngoài ra, người dân phải đợi đủ thời gian để đọc kết quả. Đọc kết quả quá sớm sẽ cho kết quả âm tính giả, còn đọc kết quả quá muộn theo thời gian quy định lại có thể cho kết quả dương tính giả.

Việc thêm đúng số giọt dung dịch theo hướng dẫn trên bộ kit sẽ đảm bảo chất lỏng di chuyển trên bề mặt thử nghiệm trong một thời gian cụ thể. Do đó, người dân đừng thêm quá ít hoặc quá nhiều dung dịch.

Mua máy đo nồng độ oxy máy SpO2 thế nào đảm bảo chất lượng?

Mới đây, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có khuyến cáo để người dân lựa chọn sản phẩm SpO2 đảm bảo chất lượng.

img

Người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm SpO2 có nhãn mác, xuất xứ, có hướng dẫn tiếng Việt. Ảnh minh họa Istockphoto

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết, hiện nay, dịch Covid-19 bùng phát với khuyến cáo mỗi nhà nên có máy đo SpO2 nên trên thị trường đã có nhiều tổ chức, cá nhân cung cấp thiết bị SpO2.

Để đảm bảo người tiêu dùng mua được các sản phẩm chất lượng, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người dân nên lựa chọn loại máy SpO2 phù hợp với mục đích sử dụng. Mỗi hãng, mỗi dòng máy sẽ có cấu tạo, chất liệu đầu dò khác nhau dẫn tới độ chính xác, độ bền cũng khác nhau.

Các loại máy dùng ở bệnh viện được kiểm định kĩ thuật và độ chính xác cao so với các máy cá nhân có thể tự mua ở nhà thuốc. Các thiết bị điện tử có tích hợp đo SpO2 như đồng hồ thông minh, thiết bị theo dõi luyện tập thể dục thể thao thường không được kiểm định y khoa, không dùng được trong các mục đích y khoa như chẩn đoán và theo dõi bệnh.

Người dân cần tìm hiểu kĩ nguồn gốc xuất xứ của các loại máy SpO2. Theo đó, người tiêu dùng có thể chụp tem của sản phẩm, khảo sát trên mạng để tìm hiểu thông tin sản phẩm bao gồm: nhà sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, phản hồi của những người tiêu dùng khác…

Thông thường nếu nhà sản xuất uy tín thì trên website của doanh nghiệp sẽ công bố áp dụng tiêu chuẩn ISO 13485 cho sản phẩm đó. Vậy nên, người tiêu dùng nên lựa chọn máy theo các nhãn hàng uy tín, có thông tin đầy đủ về đơn vị sản xuất, đơn vị bán, chế độ bảo hành rõ ràng, giá thành được niêm yết công khai và mua tại cơ sở kinh doanh được cấp phép.

(Còn nữa)