Dân Việt

Vị thái y duy nhất nào thoát chết dù biết được bí mật xấu hổ của Từ Hy thái hậu?

Mộc Miên 04/03/2022 12:32 GMT+7
Ngự y bắt mạch, biết Từ Hy Thái hậu mang thai, nhưng biết nếu nói ra có thể rước họa vào thân nên ông đã tâu rằng bà bị căng thẳng nên khí huyết không được lưu thông, cần nghỉ ngơi.

Trong thời kỳ nhà Thanh, có 2 gia tộc có thế lực lớn nhất chính là Ái Tân Giác La và Diệp Hách Na Lạp. Hai dòng họ này không ngừng đấu đá với nhau, nhưng cũng thường kết giao với nhau bằng hình thức hôn phối.

Vị vua thứ 9 của Thanh triều là Hàm Phong Đế đã từng chọn một thiếu nữ 15 tuổi dòng họ Diệp Hách Na Lạp làm vợ trong kì tuyển tú năm xưa. Người này về sau được phong thành Lan Quý Nhân và cũng chính là Từ Hy Thái hậu.

Bốn năm sau, Lan Quý Nhân sinh hạ cho vua Hàm Phong một vị hoàng tử, vua rất vui mừng nên phong cho nàng lên làm Ý Quý Phi. Nhiều năm về sau, vua Hàm Phong dần chìm đắm trong nữ sắc và thuốc phiện, sức khỏe ngày càng yếu đi và băng hà khi chỉ mới 31 tuổi. Lúc này, triều đình đành phải để Đồng Trị - con trai duy nhất của tiên đế và Ý Quý Phi lên ngôi khi vừa tròn 6 tuổi; với sự trợ giúp của 8 vị cố mệnh đại thần cùng Hoàng hậu và Ý Quý Phi nhiếp chính.

Trở thành "quả phụ" khi mới 26 tuổi, song Từ Hy thái hậu không chịu cảnh cô đơn phòng không gối chiếc. Thậm chí, ở độ tuổi thanh xuân đang phơi phới, người phụ nữ quyền lực này còn có đời sống tình cảm rất phong phú và muôn màu.

Trong cuốn "Văn Trần Ngẫu ký" (những câu chuyện được nghe kể ở trần gian), một vị thái y từng may mắn sống sót khỏi lưỡi đao của Từ Hy Thái hậu đã kể lại một bí mật động trời đằng sau cánh cửa Tử Cấm Thành mà hoàng gia vẫn luôn giấu kín.

Năm Quang Tự thứ 6, đột nhiên Từ Hy Thái hậu mắc bệnh, không những cơ thể mệt mỏi mà còn hay buồn ngủ không muốn làm gì cả, thi thoảng buồn nôn, đồ ăn thức uống đều không màng đến. Cho dù ngự thiện phòng tìm đủ mọi cách, nấu ra rất nhiều sơn hào hải vị khác nhau nhưng thái hậu vẫn không muốn đụng đũa, không ít đầu bếp giỏi vì chuyện này mà bị đánh đập giáo huấn.

Lúc này Từ Hy Thái hậu mới chột dạ, bà ta cho rằng sức khỏe của bản thân luôn rất tốt, bình thường vô cùng chú trọng dưỡng sinh, mỗi ngày đều chăm chỉ uống thuốc bổ thì sao có thể mắc bệnh. Hơn nữa các triệu chứng này không hẳn giống với việc mắc bệnh mà các biểu hiện giống hệt như lần bà mang thai vua Đồng Trị.

Vị thái y duy nhất thoát chết dù biết được bí mật xấu hổ của Từ Hy thái hậu - Ảnh 1.

Cuốn “Vấn Trần Ngẫu Kí” tiết lộ rằng, Từ Hy Thái hậu từng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi 46.

Vị thái y đầu tiên sau khi bắt mạch cho thái hậu mặc dù biết bà mang thai nhưng không dám nói sự thật. Trong lúc sợ hãi đã buột miệng nói bà bị bệnh do thường xuyên nóng giận, ông ta kê cho thái hậu vài đơn thuốc điều dưỡng. Kết quả, bệnh tình của thái hậu không những không chữa được tận gốc mà lại càng trở nên nghiêm trọng.

Sau vài ngày, tình hình sức khỏe không cải thiện, thái giám Lý Liên Anh lại cho gọi một ngự y khác đến thăm khám. Vị thái y này tâu thái hậu có mang. Nghe xong, Từ Hy Thái hậu tối sầm mặt, sai đem tên lang băm ra chém đầu. Sau khi xử xong người này, Thái hậu cũng lệnh cho trừ khử luôn vị thái y thăm khám cho bà trước đó.

Lý Liên Anh biết hai vị thái y không chữa khỏi bệnh cho thái hậu đã phải chịu tội, nên cho mời một thái y đã cáo lão về quê là Tiết Phúc Thần vào cung khám bệnh cho thái hậu.

Thái y Tiết Phúc Thần không còn cách nào khác, đành nói dối rằng thái hậu căng thẳng nên khí huyết không được lưu thông, cần nghỉ ngơi rồi kê cho bà phương thuốc có tác dụng phá thai.

Sau khi Từ Hy Thái hậu dùng thuốc, Tiết Phúc Thần đã kê thêm một vài loại thuốc bổ để Thái hậu phục hồi cơ thể. Đến năm Quang Tự thứ 8, sức khỏe của Thái hậu hoàn toàn bình phục, Tiết Phúc Thần được ban nhiều bổng lộc và được mời vào Trường Xuân Cung nghe kịch.

Mặc dù vậy Tiết Phúc Thần vẫn luôn lo lắng bị "diệt khẩu", đến năm Quang Tự thứ 15, danh y họ Tiết cáo lão về quê. Để tránh tai mắt của Từ Hy Thái hậu, ông tuyên bố với bên ngoài mình đã chết vì bệnh. Mộ phần được chôn cất ở núi Đại Phù.