Dân Việt

Chuyển động Nhà nông 4/3: Thuỷ điện Mê Kông xả nước, mực nước sông đang tăng nhanh

THDV 04/03/2022 14:31 GMT+7
Mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu là 1,44m và sông Hậu tại Châu Đốc là 1,64m, biến đổi chậm và ở mực nước cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,2-0,3m. Đây là thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 4/3.

Thuỷ điện Mê Kông xả nước, mực nước sông đang tăng nhanh

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện nay ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng của đợt xâm nhập mặn do triều cường kéo dài từ 28.2-5.3. Mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu là 1,44m và sông Hậu tại Châu Đốc là 1,64m, biến đổi chậm và ở mực nước cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,2-0,3m. Dự báo, giai đoạn từ ngày 1-10.3, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,6m và tại Châu Đốc là 1,75m, cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,3-0,4m. Độ mặn cao nhất tại các điểm đo thấp hơn độ mặn cao nhất cùng kỳ năm 2021. Dự báo xâm nhập mặn của cả mùa năm nay không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 3 và các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng cả tháng 3 và tháng 4. Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.

Tập trung bón thúc cho lúa sau rét

Theo Sở NN& PTNT, hiện nay, Hà Nội cơ bản hoàn thành gieo cấy vụ lúa xuân 2022 với hơn 70.000ha. Sở NN&PTNT Hà Nội vừa hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây lúa sau rét, trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, thống kê, phân loại các trà, các giống lúa ở từng địa phương để có biện pháp chăm sóc, bảo vệ kịp thời.

Đối với những diện tích cấy, sạ sớm, ít bị hoặc không bị ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương tiến hành bón thúc kịp thời cho lúa, thời gian hoàn thành bón thúc cho lúa xuân đợt 1 trước ngày 7-3; chủ động phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa, tập trung diệt chuột, lúa cỏ, cỏ dại và ốc bươu vàng; đồng thời khuyến cáo nông dân tập trung giữ nước nông thường xuyên trên mặt ruộng...

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, phân bón đồng loạt tăng 20% vì căng thẳng Nga – Ukraine

Bộ NN&PTNT vừa có những đánh giá về tác động của chiến sự Nga - Ukraine đến tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp với hai thị trường Nga và Ukraine.

Theo đó, xung đột Nga – Ukraine và kèm theo các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây cũng như phản ừng tứ phía Nga đã gây ra tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giớ, trong đó có Việt Nam, làm tăng chi phí vận chuyển, dẫn đến tăng chi phí đầu vào nhập khẩu đối với hàng hóa. Bộ NN&PTNT cho biết giá nguyên liệu đầu vào như lúa mỳ, ngô… đã tăng lên khoảng 10-20%, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt.  

Xoài Đài Loan và xoài keo lại xuống giá

Năm nào cũng vậy, cứ vào vụ xoài rộ ở ĐBSCL, xoài Đài Loan và xoài keo lại giảm giá mạnh, đặc biệt là vắng bóng thương lái thu mua. Hiện giá mua tại vườn của nông dân đối với 2 loại xoài này từ là 3.000 - 6.000 đồng/kg (tùy loại) do tiêu thụ ở các chợ rất chậm. Các tháng trước, xoài Đài Loan xuất khẩu loại đẹp, trái từ 500 gram đến 1kg/trái có giá khoảng 20.000 đồng/kg. Tại ĐBSCL, diện tích xoài nhiều nhất tập trung ở các tỉnh như: Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ... chiếm trên 27 ngàn ha, sản lượng hàng năm ước trên 300 nghìn tấn. Trong đó, diện tích và sản lượng cho trái chính vụ chiếm khoảng 50%, còn lại nông dân thực hiện cho trái rải vụ. Để tránh tình trạng mặt hàng xoài ăn tươi sống rớt giá mạnh khi vào chính vụ, người dân nên tìm cách xử lý cho xoài ra hoa trái vụ để giảm lượng tiêu thụ dồn dập. Bên cạnh đó, người trồng xoài nên tham gia vào HTX hay liên kết với doanh nghiệp sản xuất xoài theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, và đăng ký mã vùng trồng để đảm bảo đầu ra.