Chuyển động Nhà nông 2/3.
Xuất khẩu nông sản giảm mạnh hơn 30% trong tháng 2
Theo Bộ NN&PTNT, tháng 2, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 21,8% so với tháng 2/2021 nhưng giảm 31,4% so với tháng 1/2022. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ đạt trên 2,3 tỷ USD (chiếm 28,2% thị phần), trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 70% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 1,3 tỷ USD, giảm mạnh tới 38% so với cùng kỳ năm ngoái (chiếm 16,2% thị phần) với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm tới 33,3% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Như vậy có sự thay đổi về thứ hạng mặt hàng nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ nhiều năm nay rau quả luôn là mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng ách tắc cửa khẩu vẫn chưa được giải quyết triệt để dẫn khiến hoạt động xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc ảnh hưởng mạnh.
Lạng Sơn: Thí điểm 1 tuần, hơn 5.500 xe xuất nhập khẩu qua cửa khẩu số
Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian thí điểm từ 21-28/2, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã hoàn thành khai báo thông tin trực tuyến và được các cơ quan, lực lượng chức năng xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số.
Cụ thể, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 930 xe xuất, 3.890 xe nhập; Cửa khẩu Tân Thanh có 521 xe xuất, 262 xe nhập được khai báo trực tuyến, xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số. Theo đánh giá của Sở TT-TT Lạng Sơn, nền tảng cửa khẩu số đáp ứng được các yêu cầu phục vụ công tác quản lý của cơ quan Hải quan, Biên phòng và các lực lượng chức năng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp bến bãi, đại lý Hải quan.
Theo đó, từ ngày 1/3, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đã thống nhất với Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc thí điểm phương thức giao nhận hàng hoá xuất khẩu mới tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).
Hà Nội: Phục hồi hàng trăm héc-ta lúa Xuân bị thiệt hại do giá rét
Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đợt mưa và rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19 - 23/2/2022 đã gây ảnh hưởng đến khoảng 9ha mạ, 45ha gieo sạ và 125,8ha lúa cấy. Trong số này, có 10ha lúa gieo sạ và 57,2ha lúa cấy bị thiệt hại trên 70%, không thể phục hồi.
Hiện nay, TP vẫn trong thời vụ gieo cấy lúa và cây trồng vụ Xuân 2022. Chính vì vậy, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây tập trung hướng dẫn bà con nông dân tận dụng nguồn mạ để cấy dặm, cấy bù tại các diện tích lúa bị chết, không thể phục hồi; các diện tích bị chết chòm, mất khoảng để đảm bảo mật độ. Đối với diện tích lúa mới cấy, Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo người dân cần duy trì mực nước từ 2 – 3cm trên mặt ruộng. Thực hiện bón thúc, làm cỏ, sục bùn để giúp lúa đẻ nhánh nhiều và tập trung, đồng thời diệt cỏ dại. Bón thúc kịp thời, bón cân đối, trọng tâm là giảm lượng đạm, sử dụng phân bón NPK đa yếu tố, phân bón chuyên dùng…
Mật ong "đắng nghét" với thuế hơn 400% từ Mỹ
Những thông tin bất lợi cho mật ong Việt Nam từ thị trường Mỹ bắt đầu từ tháng 4-2021 khi Hội Các nhà nuôi ong Mỹ nộp đơn lên DOC yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam, Ấn Độ, Brazil, Argentina và Ukraine. Đến cuối tháng 11-2021, DOC công bố mức thuế sơ bộ chung dành cho tất cả doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mật ong của Việt Nam là 412,49%, mức thuế cao đến khó tin này sẽ chặn đường xuất khẩu mật ong vào Mỹ trong khi thuế suất cho các nước khác chưa đến 30%. Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết vụ việc đang trong giai đoạn chờ DOC ra phán quyết cuối cùng, dự kiến công bố vào tháng 4.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.