Bạn đọc Lưu Danh Niềm (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) hỏi: Tôi có mảnh đất tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) do bố mẹ để lại, giờ muốn làm sổ đỏ thì mất bao nhiêu chi phí?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư quách Thành Lực - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, căn cứ Luật đất đai 2013 và Quyết định 30/2019/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì người dân Hà Nội sẽ nắm được các chi phí cấp sổ đỏ tại Hà Nội.
Sổ đỏ hay còn gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo đó, người đề nghị cấp sổ đỏ phải nộp các khoản tiền như lệ phí trước bạ, lệ phí cấp sổ, tiền sử dụng đất (nếu có).
Trong đó, lệ phí trước bạ và lệ phí cấp sổ đỏ được ấn định trước, thống nhất với tất cả các thửa đất, còn tiền sử dụng đất có cách tính khá phức tạp.
Vì vậy, để tính được tổng số tiền phải nộp khi làm sổ đỏ, người dân phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.
Lệ phí trước bạ
Cách tính: Lệ phí trước bạ = 0,5% x (Giá đất tại bảng giá đất x diện tích).
Để biết cụ thể lệ phí trước bạ người dân phải biết giá đất tại bảng giá đất và diện tích của thửa đất đề nghị cấp sổ đỏ. Bạn đọc có thể tra cứu giá đất tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, đồng thời dựa vào diện tích thực tế mà người sử dụng đất đề nghị cấp sổ đỏ.
Người dân tại Hà Nội cần tìm hiểu khu vực mình ở giá đất tại đây như thế nào, đồng thời tham khảo Quyết định 30/2019/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 từ đó sẽ tính được ngay mức lệ phí mình phải nộp.
Ví dụ: Giá đất nông nghiệp trồng lúa nước và trồng cây hàng năm của phường thuộc các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân và các phường thuộc quận Hà Đông như Nguyễn Trãi, Yết Kiêu, Quang Trung, Vạn Phúc, Phúc La, Mộ Lao, Văn Quán, Kiến Hưng, Hà Cầu, La Khê, Phú La, Dương Nội, Yên Nghĩa, Phú Lương, Phú Lãm và diện tích bên tả Sông Đáy của phường Đồng Mai... thuộc vùng đồng bằng có giá 252.000/m2.
Phía bờ Tây (bên hữu) sông Nhuệ thuộc quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm thuộc vùng đồng bằng có giá 201.600/m2.
Toàn bộ huyện Hoài Đức, Đan Phượng có giá 162.000/m2.
Toàn bộ các huyện Đông Anh, Mê Linh, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ có giá 135.000/m2...
Lệ phí cấp sổ đỏ
Căn cứ vào Thông tư 250/2016/TT-BTC, lệ phí cấp sổ đỏ thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh (do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định). Do vậy, lệ phí cấp sổ đỏ tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là khác nhau.
Tại Hà Nội, nếu cấp giấy chứng nhận mới sẽ có hai trường hợp:
Một là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại phường có giá 100.000/giấy; khu vực khác có giá 50.000/giấy; đối với tổ chức có giá 500.000 giấy.
Hai là giấy chứng nhận chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) tại phường có giá 25.000/giấy; khu vực khác có giá 10.000 đồng; đối với tổ chức có giá 100.000 đồng...
Tiền sử dụng đất
Tiền sử dụng đất là số tiền người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
Thông thường đây là chi phí lớn nhất khi làm sổ đỏ. Hiện nay, tiền sử dụng đất khi làm sổ đỏ gồm hai trường hợp:
Trường hợp 1: Phải nộp tiền sử dụng đất.
Trường hợp 2: Không phải nộp tiền sử dụng đất.
Vì vậy, khi đề nghị cấp sổ đỏ nếu thuộc trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất thì tổng số tiền khi làm sổ đỏ sẽ không nhiều.