Đình Phú Tự nằm trên gò cao thuộc ấp Phú Hào (phường Phú Hưng, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Ngay trước sân đình là một "lão bạch mai" cao to bề thế, cành lá sum suê.
Người dân ấp Phú Hào cho biết, trước đây "lão bạch mai" rất cao lớn, trở thành một cột mốc có thể nhìn thấy từ xa. Năm 1952, thân chính của "lão mai" bị bão quật đổ, đến năm 1968, "lão mai" lại bị trúng bom xăng, chỉ còn những cành phụ sống sót.
Thế nhưng dù trải qua bao biến cố, cành cũ gãy, cành mới lại mọc lên xanh tốt. Hiện "lão mai" mọc thành khóm có hơn 50 thân lớn nhỏ. Có những thân to như cột nhà, phủ rêu phong, lõi đã mục ruỗng ghi lại những vết tích trăm năm tạo hóa. Có những thân vừa mới "tuổi thanh niên", cành lá mơn mởn căng tràn nhựa sống.
Hiện cây mai cao trên 5 m, có những cành lớn vươn xa hơn 7 m, tán phủ rộng trên 200 m2. Theo danh sách "Cây Di sản quốc gia" thì "lão bạch mai" là một trong 3 cổ thụ hơn 300 năm tuổi của vùng Nam Bộ.
Tương truyền trước đây "lão bạch mai" cũng trổ hoa dịp tết Nguyên đán như những cây mai khác, tuy nhiên do có mùi thơm đặc trưng nên quá nhiều người đến bẻ cành, xin lộc. Lo sợ cây mai bị tổn hại, các lão niên trong ấp đã lập hương án xin "thần mai" trổ hoa vào độ Nguyên tiêu.
Ấy vậy mà "thần mai" đã đồng ý. Giờ đây, năm nào "lão bạch mai" cũng chờ cho các loài mai khác tàn bông hết mới nở. Mùa hoa bạch mai kéo dài từ Rằm tháng giêng đến Rằm tháng 2 thì mãn. Ai muốn được ngắm màu trắng tinh khôi của những nụ hoa chúm chím buộc phải đến gần, nhìn xuyên vào tán lá mới thấy rõ.
Mỗi khi hoa nở rộ, mùi hương theo gió lan ra hàng trăm mét. Người dân trong vùng thường chờ hoa tàn, đến quét, nhặt những cánh hoa rơi rụng đưa về ướp hương, làm thuốc hoặc làm trà.
Bà Hồ Kim Xuyến, người được ấp Phú Hào giao phụ trách chăm sóc cây mai chia sẻ: "Giống mai này trong vùng chỉ có một, mọi người gọi là "ông thần mai". Lão mai có từ trước khi người ta đến đây lập ấp, xây đình. Chẳng ai biết cây do ai trồng, trồng từ khi nào nên con số 300 tuổi chỉ là mốc kể từ khi người ta biết "lão mai" tồn tại".