Giáp Vũ Nam Dương (2002) là cựu học sinh chuyên Anh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Sở hữu thành tích xuất sắc, Nam Dương đã nhận được 5 học bổng giá trị từ các trường tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm học bổng 90% từ đại học VinUni, học bổng và hỗ trợ tài chính 80% từ các trường đại học Mount Holyoke College, Hobart and William Smith Colleges, Bennington College và 35% từ đại học St. John's College.
Điểm SAT thuộc top 1% cao nhất thế giới là một trong những yếu tố mang lại cho Dương những trái ngọt trên và để đạt được điểm số đó là cả một hành trình nỗ lực của nữ sinh VinUni.
"Mình thi được 1510 điểm SAT. Vì đề thi lần đó rất khó nên với 1510 điểm mình đã vào top 1% thay vì 1540, 1550 điểm như nhiều lần khác. Mình học bắt đầu học SAT I từ giữa năm lớp 11 rồi tiến đến SAT II từ lớp 12.
Ban đầu, mình tự học bằng sách và tự luyện đề nhưng sau đó học lên SAT II khó hơn, nhất là SAT Math nên mình đã học ở trung tâm để tăng hiệu quả. Mình nghĩ với những bạn học chắc Toán cấp 3 thì việc thi SAT Math không quá khó, còn SAT Reading thì cần sự tập luyện nhiều, bên cạnh đó mình cũng thấy bản thân may mắn khi có những lợi thế về ngôn ngữ từ trước", Nam Dương chia sẻ.
Ngoài ra, cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam còn có khả năng giao tiếp và sử dụng tiếng Anh xuất sắc với điểm thi TOEFL 113 điểm, tương đương Ielts 8.0. Tuy nhiên, hành trình học tiếng Anh của Nam Dương lại bắt đầu khá đặc biệt, xuất phát từ một cô bé không biết một chữ tiếng Anh vào học ở trường học tại Anh.
"Mình bắt đầu học tiếng Anh khi cả nhà chuyển qua Anh năm lớp 2. Lúc đó, mình bị "quăng" vào một trường học sử dụng tiếng Anh hoàn toàn trong khi không biết một chữ tiếng Anh. Mình nhớ trong những tuần đầu tiên, mình gần như không giao tiếp được với ai, chỉ biết chỉ tay, gật đầu, lắc đầu, bắt chước các bạn khác.
Ở đây, các cô giáo bản địa đã dạy mình học tiếng Anh thông qua phương pháp "Học từ - Đọc sách - Viết lách" thay vì học ngữ pháp như ta thường học ở Việt Nam. Đầu tiên, mình học những từ vựng đơn giản nhất, mỗi tuần sẽ được phát một bộ bài kèm hình và chữ về học thuộc rồi lên lớp cô kiểm tra. Sau một vài tuần như vậy, mình đã có vốn từ đủ để có đoạn hội thoại với cô và các bạn rồi chuyển sang đọc sách.
Ban đầu, mình đọc những quyển sách rất đơn giản, mỗi trang chỉ có vài chữ. Lúc đó, mình rất uất ức vì lớn rồi vẫn phải đọc những quyển sách cho em bé nhưng thật sự vốn từ của mình chỉ dừng ở đó. Dần dần luyện tập như vậy, mình đọc sách có nhiều chữ hơn và sau khi đã "lỡ yêu" đọc sách rồi thì mình đọc ngấu nghiến những cuốn tiểu thuyết nghìn trang.
Đến giờ, mình vẫn tin đây là cách hiệu quả nhất, mang lại nhiều niềm vui mà vẫn giỏi tiếng Anh, vì nó cho phép mình thấy được các câu từ trong nhiều ngữ cảnh và đọc nhiều khi đó ngữ pháp cũng tự "ngấm" vào. Ngoài ra, việc đọc sẽ phải kết hợp với viết lách, bất kể là nhắn tin, viết nhật ký hay viết truyện. Khi đọc được câu hay, cụm từ hay, mình sẽ thử áp dụng vào bài viết riêng, cứ thế trình độ tiếng Anh của mình được nâng lên rất nhanh", Nam Dương chia sẻ.
"Theo mình, chứng chỉ Ielts hay mọi loại hình chấm điểm, xét tuyển khác như GPA, SAT… không bao giờ đánh giá khả năng con người một cách hoàn hảo. Điểm số và bằng cấp cho thấy sự kiên trì, rằng người này đã dành bao nhiêu thời gian để trau dồi hoạt động kia, nhưng đó cũng không phải bức tranh toàn cảnh.
Mình biết những người sử dụng tiếng Anh vô cùng thành thạo nhưng đi thi lại được điểm thấp và ngược lại cũng có những người điểm cao nhưng lại rất e dè khi phải sử dụng tiếng Anh trong tình huống thường ngày. Với mình, điều quan trọng nhất không phải điểm số, quan trọng là bản thân áp dụng kiến thức đó vào cuộc sống như thế nào.
Cá nhân mình thấy rằng tiếng Anh là một ngôn ngữ rất tuyệt vời và điều quý giá nhất là nó sẽ mở ra cho mình chân trời mới của những kiến thức, văn hóa, nghệ thuật của những nước khác. Nó cho phép mình kết nối với thế giới, từ đó góp sức xây dựng chính nước mình. Vì vậy, mình mong các bậc phụ huynh hay các bạn trẻ có thể thay đổi quan điểm "Học vì thành tích" để nhìn thấy những giá trị đó", Dương chia sẻ.
Không chỉ là một nữ sinh có thành tích học tập đáng nể, Nam Dương còn là một cô gái năng động với những hoạt động ngoại khóa. Hiện tại, nữ sinh 20 tuổi đang là Tổng biên tập của VinMagazine với 700 cuốn tạp chí giấy và nhiều bài viết khác ở nhiều lĩnh vực trong đời sống.
Nữ sinh VinUni nhận thấy rằng tuy mọi người đều công nhận người trẻ là tương lai của đất nước nhưng những góc nhìn của các bạn sinh viên như cô vẫn rất hiếm khi được xuất hiện trên truyền thông chính thống, chính vì vậy Dương và những người bạn của cô đang nỗ lực tạo ra một sân khấu tuổi trẻ, nơi các bạn sinh viên có thể tự do nói lên quan điểm của bản thân, đấu tranh cho những thứ họ thấy quan trọng - bước đầu tiên những bạn trẻ muốn làm chủ tương lai, thay đổi xã hội cần phải làm.
Học tập và hoạt động sôi nổi, hết mình, Nam Dương cũng không tránh khỏi tình trạng "quá tải", kiệt sức. Tuy nhiên, sau những áp lực đó, hiện tại nữ sinh 20 tuổi đã biết điều chỉnh cuộc sống của bản thân để luôn giữ được năng lượng tích cực.
"Giống các bạn trẻ khác, mình đã có nhiều lần "quá tải" khi làm nhiều hoạt động. Mình nhận nhiều việc mình không quá thích vì áp lực đồng trang lứa và sau đó mình mệt mỏi, không vui, kết quả cũng không xuất sắc. Đến giờ, mình cân bằng cuộc sống bằng cách chỉ làm những hoạt động mình thích, thứ tạo ra giá trị cho cộng đồng, hoặc thứ chỉ mình mới làm tốt được, khi đó kết quả mình nhận lại sẽ tốt hơn rất nhiều. Về học tập, mình cũng giảm công sức, tăng hiệu quả bằng cách học nhóm, ghi chép khoa học, làm đề cương chung và sắp xếp thời gian hoàn thiện bài hợp lý", Dương bày tỏ.
Nam Dương tin rằng mỗi người đều có một sứ mệnh riêng, một con đường riêng và sẽ trưởng thành theo tốc độ riêng: "Giáo dục và cuộc sống không phải một cuộc đua, đừng so sánh bản thân với người khác. Hãy nhảy theo nhịp điệu của riêng mình".