Thầy giáo Jrai ăn cơm độn lấy bằng Thạc sĩ, gieo chữ cho học trò nghèo
Thầy giáo Jrai ăn cơm độn lấy bằng Thạc sĩ, gieo chữ cho học trò nghèo
Thứ hai, ngày 28/02/2022 06:41 AM (GMT+7)
Sinh từ xã vùng cao, thầy Nay A Yôn phải ăn cơm độn, lội sông Ba (Gia Lai) để đến trường. Vượt qua bao khó khăn, thầy giáo làng tốt nghiệp cao học và trở về quê gieo chữ cho học trò nghèo.
Thầy giáo Nay A Yôn sinh ra và lớn lên tại làng Pleipa Ama H'Lăk (xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). Như bao đứa trẻ người Jrai khác, tuổi thơ của A Yôn gắn liền với cái nương, cái rẫy. Quanh năm, anh cùng gia đình sống trong những ngôi nhà đầm giữa rừng. Đến ngày đi học, anh lại xuyên cánh rừng già và lội qua con sông Ba để đến điểm trường trong xã.
"Đường từ nhà rẫy đến trường thời đó rất khó khăn, nguy hiểm. Không những thế, cảnh thiếu đói vào mùa giáp hạt diễn ra thường xuyên nên tôi cùng gia đình đều ăn cơm độn với bắp mỗi ngày. Thương tôi, gia đình luôn dành cho tôi chén nhiều cơm, ít bắp nhất. Chính cuộc sống khó khăn đó đã tiếp thêm "lửa" cho tôi theo con đường học tập", anh A Yôn tâm sự.
A Yôn cũng là thanh niên hiếm hoi trong xã học lên đến bậc THPT. Mỗi sáng, A Yôn phải đi bộ hơn 10 km để đến trường THPT Ayun Pa (nay là Trường THPT Lê Thánh Tông). Cậu học trò của làng Pleipa Ama H'Lăk thường vượt mấy quả núi, rồi lội qua con sông Ba để đến trường. Mùa nước lên, anh phải đứng chờ hàng tiếng đồng hồ để ké thuyền qua sông.
A Yôn nhớ lại: "Năm tôi học lớp 10, cả làng có khoảng 10-12 bạn. Nhưng đến cuối lớp 10 thì còn lại 4 bạn. Các bạn nghỉ học đều vì bố mẹ bắt ở nhà đi làm rẫy hay lấy vợ. Tôi được gia đình động viên, quyết không cho nghỉ học để mong sau này có việc làm ổn định".
Rồi 3 năm học THPT của A Yôn cũng đã hoàn thành vào năm 2004. Được sự định hướng của chị họ (đang là giáo viên mầm non), A Yôn đã đăng ký thi Đại học sư phạm Quy Nhơn, ngành Toán. Tuy nhiên, A Yôn lại không đủ điểm đỗ vào trường. Tháng 9/2004, anh đã xét vào Trường Dự bị Đại học Trung ương Nha Trang. Không nản chí, anh tiếp tục xét tuyển và đã trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, ngành Toán.
Do sống từ nhỏ ở vùng cao và ngôn ngữ giao tiếp còn chưa thành thạo nên chàng sinh viên người Jrai bỡ ngỡ và mất rất nhiều thời gian để hòa nhập với môi trường đại học. Sau khi ổn định việc học, Yôn đã xin đi làm thêm ở quán cà phê, rửa bát ở quán ăn… để có tiền trang trải việc học. Khoản dư, em lại dành để gửi về cho bố mẹ mua sách vở cho các em đi học.
Sau khi ra trường, anh A Yôn được phân công tác tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Tiếp đó, A Yôn đăng ký học cao học, chuyên ngành Toán ứng dụng tại Trường Đại học Khoa học Huế. Đến nay, anh A Yôn đã lấy bằng Thạc sĩ.
"Nuôi chữ" cho trò nghèo vùng cao
Từ tháng 10/2019 đến nay, anh A Yôn đảm nhận chức vụ Phó bí thư Đoàn trường THPT Trần Hưng Đạo. Trong quá trình công tác, anh luôn tận tâm với sứ mệnh là "người lái đò" để chở bao lứa học trò nghèo đến tương lai. Anh luôn đặc biệt quan tâm đến các học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi các em đều sinh ra ở vùng khó, ngôn ngữ giao tiếp và tập quán sinh hoạt còn hạn chế nên việc hòa nhập, vươn lên trong học tập càng khó khăn.
Nhiều năm qua, anh A Yôn thường mở lớp dạy học thêm miễn phí ngoài giờ học ở trường, nhằm bổ sung kiến thức cho học trò cầu tiến. Lớp học của anh sáng đèn 3 buổi/tuần. Những em học sinh nào rảnh rỗi, cần phụ đạo kiến thức, có thể đến để cùng trao đổi và nhờ anh hướng dẫn. Do ảnh hưởng dịch nên trong gần 2 năm vừa qua, lớp học đã tạm dừng. Thầy Yôn cũng hướng dẫn cho từng nhóm học sinh trong trường.
"Môn Toán thường khô khan, đối với các học sinh vùng khó thì phải chuyên cần, chú ý lắng nghe giảng thì mới nắm vững. Tôi thường tìm ra các cách tiếp cận bài khác nhau, tạo không khí sôi nổi, phân nhóm và hướng dẫn kỹ lưỡng để tất cả các em học sinh nắm chắc kiến thức", anh A Yôn chia sẻ.
Không chỉ tâm huyết trong truyền dạy kiến thức, anh A Yôn còn là một Phó Bí thư Đoàn trường năng nổ, nhiệt tình. Ngoài giờ học, anh thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa về phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng tình bạn đẹp, nhóm bạn giúp nhau cùng học tập...
Đồng thời, anh cùng với lãnh đạo Nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm thường xuyên thăm hỏi nhà các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời giúp đỡ các em trong học tập và đời sống.
Với những nỗ lực và đóng góp của thầy trong các phong trào, Bộ giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, UBND tỉnh Gia Lai… đã tặng Bằng khen, Ủy ban dân tộc Trung ương đã tặng kỷ niệm chương. Thầy Nay A Yôn cũng là một trong 63 giáo viên dân tộc thiểu số trên toàn quốc được vinh danh tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.