Bắt đầu từ cuối tháng 2, đã có nhiều tỉnh thành công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022. Cụ thể, trao đổi với PV báo Dân Việt, đại diện Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết thời gian và số môn thi cơ bản như năm 2021 với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Tại Khánh Hòa, về cơ bản giữ ổn định như năm học trước. Thời gian tổ chức thi vào ngày 3 và 4/6 với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Tỉnh Cao Bằng với 4 môn thi đối với thí sinh dự thi vào lớp 10 các trường THPT và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý...
Tuy nhiên, ở Hà Nội, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin về lịch thi vào lớp 10 năm 2022. Chưa có thời gian thi cũng như chưa biết thi môn thứ 4, có thi hay không đã khiến không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng sốt ruột, mong ngóng từng ngày. Đặc biệt hơn, năm học này học sinh học online là chủ yếu.
Em Nguyễn Văn Sang, học sinh lớp 9, Trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức, bày tỏ: "Là 1 học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường và đang ôn thi cấp 3, em mong Sở GDĐT bỏ môn thi thứ 4 để chúng em đỡ áp lực. Từ đầu năm học đến giờ chúng em chỉ mới học offline được 2 tuần thì đã phải trở lại học online. Học sinh và thầy cô thì F0, F1 liên tục, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học".
Tuy nhiên, khi được nghe tin Sở GDĐT sẽ vẫn giữ môn thi thứ 4 nhưng đến hiện tại vẫn chưa công bố khiến Sang lại càng vô cùng sốt ruột và lo lắng. "Chỉ chờ Hà Nội công bố môn thi thứ 4 thôi mà em thấy lâu quá", Sang thổ lộ.
Cùng chung tâm trạng, em Nguyễn Châu Anh, lớp 9H, Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Nếu có thể em hy vọng được bỏ môn thi thứ 4 hoặc nếu thi thì em mong được biết sớm đó là môn gì để có sự chuẩn bị tốt hơn. Học online em phải cố gắng tập trung hơn rất nhiều vì chất lượng đường truyền không tốt. Thực sự việc tiếp thu bài của chúng em không đảm bảo". Châu Anh dự kiến sắp tới sẽ thi vào Trường THPT Lê Quý Đôn.
Chị Huỳnh Phương Hoa, phụ huynh ở quận Cầu Giấy, nêu ý kiến: "Học sinh lớp 9 năm nay đã chịu thiệt thòi khi dịch 3 năm liên tục. Theo tôi nên bỏ môn thi thứ 4 và đây cũng là tâm nguyện của rất nhiều học sinh, phụ huynh khác.
Nên hay không có môn thi thứ 4?
Cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm cho hay: "Chất lượng sau 1 năm học sinh học online chỉ đạt khoảng 30-35%. Giáo viên thì cung cấp, bổ trợ thường xuyên kiến thức cho học sinh nhưng các em có dấu hiệu ngại học sau thời gian dài ở nhà. Các em bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều và nhiều em viện cớ chỉ muốn học trực tuyến ở nhà. Thầy cô kiểm tra, đôn đốc nhưng có tình trạng học sinh không làm bài tập hoặc chép bài của nhau...".
Cô Lý đề xuất nếu được cho học sinh thi 3 môn. "Nếu bây giờ thi môn thứ 4 thực sự khó khăn với học sinh", cô Lý chia sẻ.
Cô Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm cho hay: "Ngay sau khi quay trở lại trường, giáo viên củng cố kiến thức còn thiếu hụt cho học sinh. Giáo viên luôn đảm bảo việc dạy học đều các môn giúp học sinh sẵn sàng tinh thần thi bất kỳ môn thi thứ 4 nào. Tôi nghĩ Sở GDĐT Hà Nội sẽ căn cứ vào tình hình để đưa ra quyết định. Nhưng nếu trong tình hình dịch căng thẳng, tình trạng học online kéo dài thì việc bỏ môn thi thứ 4 là hợp lý hơn cả".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, môn thi thứ 4 sẽ là môn gỡ điểm cho học sinh. Thực tế cũng đã chứng minh học sinh được lợi thế hơn khi có môn thi thứ 4 trong những kỳ thi vừa qua. Ngoài ra, nếu chỉ còn thi 3 môn thì đề sẽ rất khó bởi như vậy mới phân loại được học sinh.
Trước một số ý kiến đề xuất công bố sớm môn thi thứ 4, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, ngoài 3 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, các học sinh sẽ biết môn thi thứ 4 vào tháng 3 hàng năm. Theo ông Tiến, đây là quy định đã được duy trì trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Sở GDĐT, thời gian qua, toàn ngành đã hoàn thành "mục tiêu kép": Tổ chức dạy học hiệu quả, thích ứng an toàn trong tình hình mới và bền bỉ ứng phó với dịch Covid-19. Kết thúc học kỳ 1, tỷ lệ học sinh lớp 7, 8 và 9 xếp loại học lực giỏi đạt 45,7%.