Cá mát đặc sản không những sạch mà thịt còn chắc, ngon, chế biến được nhiều món ăn đặc biệt. Và cũng bởi thế nên cá mát có giá bán cao, luôn được giới sành ăn săn lùng.
Thượng nguồn của dòng Đakrông được đồng bào Vân Kiều gọi là Acho. Tầm tháng 3, tháng 4 âm lịch, nơi đây trở thành điểm hẹn lý tưởng cho những cuộc săn cá mát.
Anh Hồ Văn Tiến, ở thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, được xem là một trong những người giàu kinh nghiệm trong việc săn cá mát.
Anh Tiến từng theo đuôi các loài cá sạch rong ruổi, lặn ngụp qua hầu như tất cả các con suối, nhánh sông gần nhà, xa nhà. Hiện nay, để thỏa chí đam mê, để sống được với nghề thì hành trình mưu sinh của anh ngày càng phải tiến sâu về phía thượng nguồn.
Anh Tiến thường bắt đầu cuộc săn của mình vào lúc mặt trời bắt đầu hạ sào, đổ bóng về bên kia ngọn núi. Vì đi xa, nên ngoài túi đồ nghề tươm tất với đủ loại ngư lưới cụ, mồi câu, thì anh còn có chiếc xe Wave rsx cũ làm bạn đường.
“Chỉ có độ lì và độ xấu của nó mới đủ sức theo mình chinh chiến những đoạn đường dốc, mấp mô đá sỏi khi tiến vào Acho”, chỉ vào chiếc xe máy cũ, anh Tiến nói.
Sau khi đến bìa rừng, để chiếc xe vào một gốc cây to, anh Tiến phăm phăm tụt dốc, hướng đến một đoạn suối nguyên sơ, khuất lấp sau lùm cây rậm. Trên bờ có nhiều cuội to cuội nhỏ, lòng suối nước trong xanh đến soi tỏ mặt người.
Bấy giờ đã gần 5 giờ chiều, hơi nước từ suối thổi lên mát rượi, anh bắt đầu soạn tay lưới ra. Anh nói: “Cá mát sống ở các khe đá, ăn rong rêu.
Cá thường tỏa đi kiếm ăn khi trời nhập nhoạng hoặc vào tối đêm. Những năm gần đây, do nước sông Đakrông bị ô nhiễm nên cá mát ít đi nhiều, mọi người lại hay rà điện nên cá ít sinh sản được. Bây giờ chỉ có ở vùng thượng nguồn này mới có nhiều cá mát”.
Nếu bắt cá chình phải dùng lưỡi câu thì với cá mát lại dùng lưới, loại lưới bén 2,5 phân vì cá mát là loài có kích thước nhỏ, con to nhất cũng chỉ cỡ 3-4 ngón tay.
Và để có thành quả kha khá thì mỗi cuộc săn của anh Tiến thường bắt đầu từ nhập nhoạng chiều hôm trước kéo dài cho đến tờ mờ sáng hôm sau.
Với giá bán khoảng 300.000 đồng/kg cho các thương lái, chủ nhà hàng, anh Tiến xoay vòng mỗi tháng làm vài cuộc săn cũng đủ đắp đổi cho cuộc sống gia đình.
Cá mát không xa lạ với những người thường xuyên ghé thăm những bản làng vùng núi cao miền Tây Quảng Trị.
Cá mát nấu món gì cũng ngon, từ nướng trui đến hấp hành, kho lạt hay nấu canh chua, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến món cheo cá mát, một món ăn “gây thương nhớ” bởi nhiều hương vị quyện hòa đặc biệt.
Trong một lần đến xã A Túc (nay là xã Lìa) huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), tôi được mời ở lại dùng cơm với gia đình ông Kôn Giới trú tại thôn Kỳ Nơi.
Mâm cơm dọn ra gồm 3 món: Canh chua nấu cá, thịt kho và rau bí luộc. Kỳ lạ thay, rau bí ở đây không được chấm với nước chấm nào như thường thấy, mà lại được chấm cùng dăm bông.
Sau quãng đường xa di chuyển, tôi vừa mệt, vừa đói nên xì xụp ăn, thế nhưng trong lòng vẫn không ngớt băn khoăn: “Rau bí sao lại đi chấm dăm bông, món ăn nơi này quả có nhiều cái lạ?”.
Tan bữa, khi mọi người đều no say, chủ nhà chia sẻ: “Món dăm bông mà chị vừa ăn chính là cheo cá mát, một món ăn để dành của người Pa Kô chúng tôi”.
Vậy là, dù là người Vân Kiều hay người Pa Kô nhưng nếu sinh sống dọc theo sông suối, gắn bó với núi rừng thì họ đều lấy rau rừng, cá mát làm đặc sản. Và tất nhiên, họ cũng có món cheo cá mát giống nhau.
Cá mát sau khi bắt về sẽ được mổ bụng làm sạch ruột, rửa kỹ lớp rong rêu bám ngoài thân và mang cá, sau đó dùng các thanh tre đã được chẻ nhỏ, vót nhọn một đầu để xuyên cá thành từng xâu, mỗi xâu cá độ khoảng từ 5-10 con, rồi treo trên giàn bếp (có lúc nắng to thì phơi ngoài trời).
Khoảng chục ngày sau, cá hong trên bếp lửa đủ độ khô sẽ được đem xuống chế biến thành món cheo. Món cheo của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều khi nhìn vào gần giống như ruốc bông được làm từ thịt lợn của người Kinh, nhưng khi ăn sẽ cảm nhận được sự khác biệt.
Cheo cá mát không dai như ruốc bông nhưng có vị ngọt đậm hơn ruốc bông. Với những người rành chế biến, món cheo cá mát sẽ được biến tấu để có vị đậm đà và dễ ăn hơn.
Kôn Giới chính là một đầu bếp lành nghề, món cheo cá tôi ăn hôm đó vừa có vị bùi ngọt của thịt cá, hương thơm của tiêu rừng và vị cay nồng của một ít muối giã nhuyễn với riềng, ớt khô.
Ở Quảng Trị, người Vân Kiều, Pa Kô thường ăn cheo cá mát kèm với xôi nếp than. Và tất nhiên, đây cũng là một món ngon hiếm khi thiếu được trên bàn ăn mỗi khi đãi khách.
Cứ một vắt xôi lại được chấm với một ít cheo cá mát, xôi dẻo dai béo ngậy đẩy đưa tung hứng với thịt cá mát lịm ngọt, cay xè… Thực khách cứ vậy mà ngất ngây thương rừng, nhớ núi, muốn nhiều lần hơn nữa được quay trở lại Acho.