Dân Việt

Bộ Công Thương: Rà soát tình trạng năng lượng tái tạo “lắp nhiều dùng ít”

Thanh Phong 06/03/2022 07:00 GMT+7
Mới đây, trước tình trạng triển khai năng lượng tái tạo vượt kế hoạch, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc rà soát danh mục dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, cơ quan này đang rà soát đánh giá việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (quy hoạch điện VII điều chỉnh).

Cụ thể, tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện mặt trời vào năm 2020 chỉ đặt ra khoảng 850 MW, 4.000 MW năm 2025 và khoảng 12.000 MW năm 2030. Nguồn điện gió chỉ đặt ra khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW năm 2025 và khoảng 6.000 MW năm 2030.

Trên thực tế, tính hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện là 69.342 MW. Nguồn điện mặt trời đạt gần 17.000 MW, trong đó, nguồn điện mặt trời nối lưới đã đưa vào vận hành lên tới gần 9.000MW (tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hơn 3.500 MW) và gần 8.000 MW điện mặt trời mái nhà.

Tiếp tục rà soát tình trạng năng lượng tái tạo “lắp nhiều dùng ít” - Ảnh 1.

Dự án năng lượng tái tạo phát triển ồ ạt gây quá tải thời gian qua. (Ảnh: EVN)

Về điện gió, tổng công suất được đưa vào vận hành đến nay khoảng 4.000 MW. Dù vượt nhiều lần kế hoạch công suất điện gió ở quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhưng lại thấp hơn nhiều so với số lượng dự án điện gió được bổ sung quy hoạch này (11.800 MW).

Tình trạng các nguồn năng lượng tái tạo được lắp đặt, triển khai ồ ạt nhưng hệ thống truyền tải chưa đáp ứng được gây ra quá tải nghiêm trọng. Do đó, nhiều nhà máy điện mặt trời phải cắt giảm công suất phát, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và làm giảm động lực phát triển cùng nhiều rủi ro.

Trước tình trạng năng lượng tái tạo "lắp nhiều dùng ít" trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thành lập đoàn thanh kiểm tra. Tuy nhiên, gần 1 năm trôi qua, kết quả cuối cùng chưa được công bố.

Với việc rà soát lần này của Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đề nghị phối hợp, rà soát các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có trong quy hoạch (kể cả các dự án đã vận hành và các dự án chưa đưa vào vận hành tính đến tháng 2/2022).

Ngoài việc yêu cầu thống kê danh mục các dự án, Bộ Công thương yêu cầu đánh giá tình hình vận hành khai thác các nhà máy, các khó khăn, vướng mắc (nếu có) của những dự án đã vận hành.

Với dự án chưa vận hành thì phải cập nhật tình hình triển khai thực hiện chi tiết và tiến độ dự kiến vận hành. Đánh giá nguyên nhân chưa vào vận hành của các dự án: khó khăn, vướng mắc về đất đai, hạ tầng kỹ thuật, năng lực đầu tư, tài chính...

Trước đó, Tổng thanh tra Chính phủ đã có Quyết định Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Thời kỳ thanh tra từ năm 2011 đến hết năm 2021, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.

Các đơn vị liên quan đến quyết định thanh tra này là Bộ Công Thương, các tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và 6 địa phương có nhiều dự án năng lượng tái tạo là Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bạc Liêu.