Là một bộ phận có hạn của con lợn, chân giò rất giàu dinh dưỡng, chứa lượng lớn canxi, sắt, vitamin A, B, C... Đông y cho rằng, móng giò có tác dụng bổ máu, thông sữa, làm mềm, bổ tinh thận...
Không chỉ có số lượng giới hạn, chân giò còn rất được lòng chị em bởi ít chất béo, giàu collagen. Đặc biệt, chân giò lợn còn có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như hầm, xào, luộc, giả cầy, giăm bông...
Tùy vào mục đích nấu ăn, bạn chọn phần chân trước hay chân sau cho phù hợp. Ở đó, chân trước có ưu điểm chứa cả mỡ và nạc, thịt mềm. Phần chân trước cũng rất nhiều gân nên ngọt, giòn và có vị thanh hơn sau khi nấu chín. Nó thích hợp để chế biến các món như luộc, hầm, làm các món chạo, giả cầy...
Chân sau của lợn hoạt động nhiều, cấu trúc cơ săn chắc, nhiều nạc phân bố đều trên bề thích hợp để lọc thịt, xào, nấu cháo...
Nhiều người thường gọi thịt thăn là nạc thăn bởi nó có phần thịt dày, chắc, thớ dài.
Thịt thăn khi nấu lên mềm, vị ngọt ngon hơn hẳn những phần khác. Đặc biệt, cấu trúc thịt thăn toàn nạc, dễ hấp thụ nên thích hợp làm món tẩm bổ cho trẻ nhỏ, người già hệ tiêu hóa kém.
Có nhiều cách để chế biến thịt thăn. Chẳng hạn, chị em có thể luộc, xào, chiên, kho tàu hoặc áp chảo, thăn lợn chiên xù... Mỗi món ăn sẽ mang lại trải nghiệm vị giác mới lạ.
Thịt ba chỉ nằm ở phần bụng của con lợn, gồm có lớp thịt và mỡ xếp chồng lên nhau. Vì thế, khi chế biến thịt ba chỉ rất ít khi bị khô.
Thịt ba chỉ có thể luộc chấm kèm mắm tôm ăn cùng cà pháo. Ngoài ra, nó cũng có thể chế biến thành nhiều món như kho, rim, chiên giòn hoặc nướng.
Mận heo hay còn gọi là thịt nạc dăm. Đặc điểm của phần thịt này là có lớp mỡ xen kẽ phía trong thịt nhưng không phân tách rõ ràng. Nhờ vậy, món ăn thành phẩm sẽ không quá khô.
Thịt nạc dăm được đánh giá là một trong những phần ngon nhất trên con lợn. Trung bình, mỗi con chỉ có thể lọc ra khoảng 5kg loại thịt này. Chính vì vậy, nếu có ý định nướng, rang sả ớt, rim hay làm chua ngọt thì bạn nên đi chợ sớm để mua được nguyên liệu.