Biết, nhưng vẫn sản xuất?
Như Báo điện tử Dân Việt đã thông tin, thời gian vừa qua trên thị trường thực phẩm chức năng xuất hiện nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK- PV) của Công ty TNHH dược phẩm Tritydo Hưng Phước (số nhà 31 ngõ 178/5 đường Phan Trọng Tuệ, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) in ấn, công bố thêm nhiều công dụng, tính năng của sản phẩm khác với nội dung đã được Cục ATTP (Bộ Y tế) đã phê duyệt trước đó.
Hàng loạt sản phẩm TPBVSK được Công ty TNHH dược phẩm Tritydo Hưng Phước (gọi tắt là Công ty Tritydo Hưng Phước) công bố sai bản chất sản phẩm.
Nhiều sản phẩm được Công ty Tritydo Hưng Phước quảng cáo có công dụng chữa bệnh như "thần dược", có công dụng thần kỳ hơn cả thuốc chữa bệnh, chữa được một số loại bệnh mà đến y học tiên tiến cũng phải bó tay như "giảm tỉ lệ dị tật ở thai nhi"…
Theo tìm hiểu của PV, "đóng góp" một phần công sức cho những sai phạm của Công ty Tritydo Hưng Phước là nhà máy sản xuất dược phẩm của Công ty CP dược phẩm Quốc tế STP (lô đất số N2- 9, Khu công nghiệp Đồng Văn II, phường Đồng Văn, Thị xã Duy Tiên, Hà Nam).
Công ty CP dược phẩm Quốc tế STP là đơn vị được Công ty Tritydo Hưng Phước đặt hàng sản xuất sản phẩm TPBVSK: Mommax Tritydo Maton, Canxi apatite Tritydo iron kalxy, Gel dạ dày Tritydo gel dạ cẩm, viên uống dạ dày Tritydo simekitt gold, Tydokid D3k7 King Dishad3 gold.
Theo một lãnh đạo nhà máy chuyên sản xuất thực phẩm chức năng (đề nghị không nêu tên), khi nhà máy nhận sản xuất một sản phẩm TPCN, TPBVSK sẽ yêu cầu đối tác xuất trình các giấy tờ như: Bản công bố sản phẩm đã được Cục ATTP tiếp nhận và market sản phẩm.
Toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế và hồ sơ sản phẩm TPCN, TPBVSK đã được Cục ATTP phê duyệt.
Trường hợp nhà máy cố tình sản xuất, công bố sai những nội dung trong Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đã được Cục ATTP duyệt, nhà máy sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Về nguyên tắc Công ty CP dược phẩm Quốc tế STP nhận sản xuất sản phẩm cho Công ty Tritydo Hưng Phước phải nắm rõ hồ sơ sản phẩm, bao gồm toàn bộ các giấy tờ của Cục ATTP đã phê duyệt. Hai công ty này đã in ấn, công bố sai bản chất sản phẩm.
Khách hàng mà 2 Công ty này nhắm vào là trẻ nhỏ và bà bầu - những đối tượng yếu thế. Đây là hành vi đáng lên án. Bộ Y tế cần vào cuộc xác minh, chỉ đạo thu hồi những sản phẩm này…", vị lãnh đạo nhà máy sản xuất TPCN nói.
Đánh giá về sự việc, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh TPCN, TPBVSK cho hay, hàng năm Công ty ông đặt hàng nhà máy sản xuất hàng chục sản phẩm TPCN, TPBVSK. Về nguyên tắc sau khi ký hợp đồng kinh tế, doanh nghiệp phải cung cấp các giấy tờ Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đã được Cục ATTP duyệt cho đối tác, maket sản phẩm cho đối tác.
Trong hợp đồng ký kết với nhà máy sản xuất, doanh nghiệp ký những điều khoản ràng buộc rất rõ ràng như tất cả các nội dung của Cục ATTP phê duyệt ở maket sản phẩm nhà máy sản xuất phải in đúng, không được sai 1 chữ. Trường hợp nhà máy sản xuất in sai mẫu mã bao bì, hoặc thêm bớt chữ sai so với nội dung trong hợp đồng sẽ phải làm lại.
"Nhà máy sản xuất sẽ có bộ phận chuyên môn chuyên "soi" hồ sơ sản phẩm. Nếu nói nhà máy không biết những lỗi sai này là không phải", vị lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh TPCN, TPBVSK nói.
Cần sớm thành lập đoàn thanh tra
Theo luật sư Lê Hồng Huấn- Đoàn luật sư TP Hà Nội, hiện các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành Nghị định, thông tư hướng dẫn rất rõ ràng về việc sản xuất TPCN, TPBVSK. Đối với hành vi sản xuất sản phẩm TPBVSK không đúng với nội dung bản công bố sản phẩm đã được Cục ATTP tiếp nhận có thể xử lý theo điểm a, khoản 11, điều 1 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 04/09/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo đó, hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc tiêu chuẩn đã công bố sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000- 40.000.000 đồng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ 1 phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 của Điều 20 nói trên. Đồng thời, buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm TPBVSK vi phạm.
"Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cần sớm có chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Thanh tra Bộ, Cục ATTP thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, thu hồi những sản phẩm cố tình in ấn, công bố sai bản chất sản phẩm mà Cục ATTP đã duyệt của Công ty Tritydo Hưng Phước và Công ty CP dược phẩm Quốc tế STP. Đồng thời, phải có biện pháp mạnh tay xem xét thu hồi giấy phép (nếu có vi phạm) đối với công ty có dấu hiệu "lừa dối" người tiêu dùng", luật sư Huấn nói.