Các vùng trồng tiêu lớn ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang vào chính vụ thu hoạch trong bối cảnh giá tiêu không có biến động.
Từ cuối tuần trước, giá tiêu xô ở các vùng nguyên liệu lớn dao động từ 78.500 - 81.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu vụ.
Để có cơ sở đánh giá sơ bộ năng suất, diện tích, sản lượng hồ tiêu vụ 2022, mới đây Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã tổ chức 2 đợt khảo sát hồ tiêu trên diện rộng.
Đợt khảo sát được thực hiện tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai. Đây là những vùng trọng điểm có diện tích trồng tiêu chiếm hơn 90% diện tích hồ tiêu cả nước.
Tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), sản lượng hồ tiêu vụ 2022 ước giảm do diện tích trồng giảm. Một số đại lý cho biết, lượng tiêu trữ trong dân vẫn còn vì đại lý hiện chỉ mua được tiêu cũ, số lượng mua được ít hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, sản lượng tiêu tại huyện Cẩm Mỹ cũng giảm do diện tích giảm, thiếu công hái và chi phí nhân công cao. Huyện Cẩm Mỹ có sự khác biệt so với huyện Xuân Lộc là thời tiết bất thuận năm 2021 khiến bông rụng và ra hoa không đồng loạt. Do đó, sản lượng hồ tiêu năm 2022 dự kiến giảm không chỉ do diện tích giảm mà năng suất cũng giảm.
Một yếu tố bất lợi nữa ảnh hưởng đến sản lượng tiêu vụ này là hầu hết các vườn tiêu trong vùng đang trong giai đoạn cuối chu kỳ khai thác, trên 15 tuổi.
Trong khi đó, tại 2 huyện Xuyên Mộc và Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu), đoàn khảo sát đã phỏng vấn và khảo sát thực địa 5 hộ trồng tiêu.
Sản lượng vụ 2022 dự báo tiếp tục giảm khi phần lớn diện tích là vườn tiêu già, có vườn hơn 20 năm và hiện tượng mưa không đều năm 2021 khiến tiêu không ra bông. Một số ít vườn ghi nhận sản lượng vụ 2022 tăng là do năm trước mất mùa.
3 trong 5 hộ được khảo sát cho biết lượng hàng tồn năm trước vẫn còn.
Tại Đắk Lắk, đoàn đã phỏng vấn và khảo sát thực địa 3 nông hộ, 2 đại lý thu mua, 1 Hội Nông dân và 2 HTX trên địa bàn huyện Cư Kuin và Cư M'Gar.
Các hộ được khảo sát ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắ), sơ bộ đánh giá sản lượng vụ 2022 giảm, có khu vực giảm hơn 40%, nguyên nhân chính là do mưa sớm năm 2021.
Một số hộ được mùa nhưng tỉ lệ không nhiều. Quan sát các vườn tiêu cho thấy cây phát triển tốt, lá xanh nhưng thưa trái và chuỗi ngắn. Phần lớn vườn tiêu ở giai đoạn cuối chu kỳ khai thác, trên 10 tuổi.
Đáng chú ý, lượng hồ tiêu tồn kho từ những năm trước vẫn còn, thậm chí có hộ tồn tới 20 tấn (6 tấn thu hoạch được của nhà và mua thêm 14 tấn để trữ).
Tại huyện Cư M'Gar, vụ tiêu 2022 cũng dự báo mất mùa, nhiều vườn tiêu xanh tốt nhưng ít trái, chuỗi thưa. Phần lớn tiêu trong vùng được canh tác trên 10 năm, trồng xen với cà phê và các loại cây ăn trái khác. Có đại lý thu mua thông tin, từ đầu năm 2022 lượng thu mua tiêu cũ từ dân vẫn còn.
Khả năng tái canh thấp do xác suất khi tái canh chỉ đậu khoảng 50%. Đó là chưa kể đến các yếu tố sốt đất trên thị trường bất động sản gần đây đã chi phối rất lớn đến quyết định canh tác, chuyển đổi mục đích cây trồng của bà con nông dân.
Khảo sát tại một số địa phương của tỉnh Đắk Nông, VPA cho biết nhiều vườn tiêu đã hái xong. Lượng tiêu vụ mới đã được bà con bán ra để lấy tiền trang trải chi phí, cũng như có vốn tái đầu tư chăm sóc vườn tiêu.
Theo đánh giá chung của VPA, khảo sát cho thấy lượng hồ tiêu tồn kho của các năm trước hiện vẫn còn nhiều, tập trung ở các hộ và đại lý có tiềm lực kinh tế mạnh.
Những đối tượng này có thể tăng cường lượng hàng trữ trong trong bối cảnh giá tiêu đang trong chu kỳ tăng giá và hạn chế bán ra thị trường.
"Phần lớn các hộ được khảo sát cho rằng sẽ trữ tiêu vụ mới, chỉ bán ra khi có nhu cầu chi tiêu và có kỳ vọng giá tiêu tăng cao hơn. Thực tế này có thể xảy ra nguy cơ tăng giá ảo như năm trước. Có thể nói rằng lượng tiêu trong dân từ các mùa trước vẫn còn tương đối, đó là chưa kể lượng dự trữ tại các đại lý, công ty lớn, có tiềm lực tài chính đã thu mua tích trữ từ các vụ trước" - báo cáo của VPA cho hay.