Là doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu may mặc sang Nga, ông Nguyễn Duy Ninh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm thừa nhận, đơn vị này đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Chẳng hạn, việc một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, theo ông Ninh trước mắt đã gây ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng với đối tác Nga. Hiện, khoảng 4 triệu USD giá trị hàng hóa đã xuất của doanh nghiệp sang Nga nhưng chưa được thanh toán. Về vận tải, lô hàng đã đến Hà Lan cũng bị giam ở kho chưa thể chuyển sang Nga - vị này cho hay.
Chưa hết, ngoài các đơn hàng đã xuất đi, hiện doanh nghiệp này còn những đơn hàng đã mua nguyên phụ liệu với khoảng 40 container, khi chuyển sang thành phẩm tương đương với 100 container trị giá gần 5 triệu USD.
"Dưới góc độ doanh nghiệp trực diện, chúng tôi hiện đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh nhất và đang loay hoay để giải quyết", ông Ninh thừa nhận.
Cũng theo ông Ninh, đáng lo ngại hơn là chưa thể đoán trước được tình hình cuộc xung đột giữa hai nước sẽ diễn biến theo hướng nào. Nếu các lệnh trừng phạt cấm không giao thương với Nga xảy ra, thì "kể cả doanh nghiệp có lạng lách hay sử dụng các hệ thống thanh toán khác cũng không thể làm gì". Điều này sẽ ảnh hưởng hai chiều đến cả doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Nga và ngược lại doanh nghiệp Nga đang đầu tư tại Việt Nam.
"Tất cả các dự án liên quan đến công nghệ, tài chính của Nga đều phải dừng lại, tính bất định này khiến doanh nghiệp Việt Nam – Nga hiện nay đang phải dò dẫm, ngày nào biết ngày đó, đây là thực tế", ông Ninh thừa nhận.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty cà phê nông sản Meet More cũng đang "đau đầu" vì hàng hóa xuất khẩu sang Nga phải "nằm im" vì bị "vạ lây" từ xung đột Nga - Ukraine.
"Bây giờ có đơn hàng nhưng không xuất đi được, chúng tôi rất đau đầu. Các doanh nghiệp ở Nga đang nghe ngóng cuộc đàm phán giữa Nga – Ukraine rồi mới quyết định. Còn bây giờ họ cũng đang bị ngưng trệ. Tất cả các hãng tàu lớn trên thế giới đều không đi đến Nga do lệnh cấm vận của các nước", ông Luận chia sẻ.
TS Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế nhận định, các biện pháp trừng phạt trong chiến sự Nga – Ukraine, đặc biệt là việc Nga bị "cấm cửa" khỏi SWIFT là đòn "tới bến" vào xuất nhập khẩu của Nga. Các doanh nghiệp tại Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu vào Nga sẽ bị "vạ lây" không thể thực hiện. Tuy nhiên, do thương mại quốc tế Việt – Nga không lớn mặc dù là đối tác chiến lược, nên mức độ tác động cũng không đáng kể.
Trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine đang tác động toàn diện tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tại tọa đàm do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia đã chỉ ra các việc doanh nghiệp cần làm ngay để ứng phó khủng hoảng Nga – Ukraine.
Trước hết, theo ông Lực doanh nghiệp cần tính toán đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, bởi việc chỉ tập trung vào một vài nơi đã cho thấy rõ những rủi ro thời gian qua.
Hai là, chủ động đàm phán với các đối tác về phương án vận chuyển hàng hóa, phương thức kinh doanh.
"Hiện có nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng hàng hóa của họ đang bị ách tắc ngoài biển. Do đó, bây giờ chính là lúc phải suy nghĩ thêm xem có đường vòng hay kênh thay thế nào không nhằm giải tỏa ách tắc và tránh hư hỏng hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thủy hải sản", ông nói.
Cũng theo ông Lực, trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine doanh nghiệp phải đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. Trên thế giới, doanh nghiệp Nga, Trung Quốc và một số nước cũng đã bắt đầu đi theo hướng này.
"Ví dụ thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nga vừa qua đã chuyển sang thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ để tránh tác động và rủi ro", ông Lực cho biết.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần rà soát lại hợp đồng và hồ sơ pháp lý để đảm bảo chủ động trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
TS. Cấn Văn Lực đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, vào cuộc quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu sâu hơn và nhiều hơn về kênh thanh toán song phương.
"Trên thực tế, Việt Nam và Nga đã thiết lập kênh thanh toán song phương khi Moscow bắt đầu bị cấm vận năm 2014. Kênh này thời gian qua chưa hoạt động mạnh mẽ thì nay phải làm quyết liệt hơn. Về thay đổi đồng tiền thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng phải sớm vào cuộc để xem xét nếu cần", ông Lực nói.
Một điểm nữa là các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cũng cần nghiên cứu để có phương án đa dạng hóa các phương thức dữ trự, bao gồm dự trữ ngoại hối. Song song với đó, ông Lực nhấn mạnh rằng cần tiếp tục thúc đẩy chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được thông qua.
Trong trung và dài hạn, cơ cấu lại và nâng cấp hệ thống logistics, song song với đẩy nhanh và quyết liệt hơn, thực chất hơn cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, tăng tính tự lực tự cường, sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh bất định; chủ động phân tích dự báo để tránh bị động, bất ngờ.