Trong căn phòng hồi sức chỉ toàn một màu trắng, đều đặn những tiếng bíp bíp vô hồn, Bế Thị Băng từ từ mở mắt như thể vừa trải qua một cơn mê.
Cô khẽ cử động thì thấy hai tay bị trói chặt vào thành giường, lắc thử đôi chân nhưng chỉ thấy chân trái có cảm giác, còn chân bên phải thì không cảm nhận thấy gì. Lúc này, Băng mới được y tá nhẹ nhàng thông báo: "Chân phải của em bị cắt mất rồi".
Một cảm giác lạnh toát chạy dọc sống lưng. Băng nghĩ: "Nữ y tá này thật biết đùa, làm gì có chuyện mình cụt chân được?". Nhưng sau ít phút định thần lại, những hình ảnh của vụ tai nạn 4 ngày trước đó chợt dội về.
Cô gái sinh năm 1987 nhớ lại rõ mồn một cảnh mình bị chiếc container kéo lê nhiều mét trên đường Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) trước khi lọt xuống một chiếc hố. Liền sau đó là giọng một người đàn ông hoảng hốt kêu lên: "Đâm vào rồi".
Lúc ấy, cô chỉ thấy hai chân đau tê dại, bàn tay bầm giập, mắt vẫn mở nhưng cô không nhìn thấy bất cứ thứ gì xung quanh nữa. Băng thảm thiết kêu cứu trước khi lịm đi.
Buổi tối ngày 21/2/2012 ấy, nhớ lại, cô vẫn còn ám ảnh.
Chưa hết sốc về việc mình bị cắt một bên chân, tháo một phần khớp háng, cô gái trẻ lại càng thêm hoảng loạn khi nghe bác sĩ nói với bố ngoài hành lang: "Ca phẫu thuật chỉ tạm thời cứu mạng sống và giúp cầm máu, bệnh nhân chỉ có 5% cơ hội sống sót. Nếu có sống thì chiếc chân còn lại cũng chưa chắc đã giữ được". Nghe vậy, người cha già khắc khổ chỉ biết cầm tay bác sĩ rưng rưng: "Bác sĩ cố cứu cháu. Con bé còn trẻ, không chết được đâu".
Nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của bố, Băng cố vượt qua nỗi sợ hãi, tự trấn an rằng, mình phải sống. "Tôi giơ tay lên đếm 1, 2, 3, 4, 5… rồi vẫn nhớ mình là một bác sĩ nha khoa, có bố mẹ, có 2 đứa em, vậy là đầu óc mình vẫn bình thường, không bị ngớ ngẩn. Vậy thì chắc sống được", nữ bác sĩ nhớ lại.
Tự động viên mình là vậy, nhưng suốt nhiều ngày cô không dám nhìn xuống phía chân. Chuyển về phòng bệnh thường, cô chỉ dám nhờ các bệnh nhân khác quan sát vết thương giúp mình và ngày nào cũng hỏi: "Hôm nay vết thương của em thế nào?".
Dẫu vậy, không phải ai cũng đủ dũng khí để nhìn vào vết thương khâu hở 5 phân một, lộ ra nhiều tầng lớp, vàng khè và chảy dịch liên tục. Vết thương khủng khiếp đến mức y tá mỗi lần thay rửa cho cô đều cố quay đi. Những bệnh nhân cùng phòng không biết có nhìn giúp Băng hay không nhưng lần nào cũng nói: "Đang đỡ nhiều rồi".
Những ngày sau, phần bụng và chân trái của Băng liên tiếp bị hoại tử. Cô đau tới mức không còn nước mắt để khóc, sợ hãi không cho bác sĩ khâu vết thương nữa dù chỉ bị bục ra.
Cô gái trẻ chỉ còn biết nghiến răng chịu đựng và lúc nào cũng đếm số trong đầu với suy nghĩ đếm đến ngày mai thì sẽ hết đau. Ngày mai chưa hết đau thì ngày kia sẽ hết…
Trên giường bệnh, hàng ngày, Băng làm bạn với chiếc điện thoại cục gạch có chức năng nghe đài FM. Hàng ngày, cô nghe âm nhạc và các câu chuyện giao thông trên khắp cả nước.
Tin tức liên tục đưa có bao nhiêu vụ tai nạn và bao nhiêu người phải bỏ mạng trên đường. Lúc đó, cô nghĩ mình còn sống thì phải cố mà sống. Cô thanh lọc suy nghĩ và chỉ giữ lại những năng lượng tích cực cho mình. Sự hồi phục của Băng khiến các bác sĩ không khỏi ngạc nhiên.
Cuối cùng sau 21 ngày kiên cường, Băng cũng được ra viện. Chưa kịp mừng thầm vì được rời khỏi chiếc giường bệnh thì cô lại vô tình nghe được lời căn dặn của bác sĩ với bố mẹ: "Gia đình về chăm sóc, cố gắng cho cháu ngồi được xe lăn".
Nghe những lời nói đó, cô thầm hiểu, với thể trạng của cô, ngồi xe lăn đã là một sự cố gắng mà chưa chắc cô đã làm được. Băng bỗng sinh ra ám ảnh, dặn bố mẹ tuyệt đối không được mua xe lăn. Cô kiên quyết xin ở lại Hà Nội thuê một căn phòng trọ để phục hồi.
Nhảy múa, đi xe đạp, nhảy dây, cưỡi ngựa… bằng một chân
Những ngày đầu, cô được vợ của người lái xe gây tai nạn chăm sóc. Tuy nhiên, được ít hôm, Băng thuyết phục người phụ nữ này để cho cô được ở một mình. Mọi chuyện ăn uống cô sẽ nhờ em gái học cách đó 70 km cứ vài ngày lại xuống lo liệu. Mọi đồ ăn thức uống, thuốc men để ngay sát giường.
"Tôi không muốn bị xem là gánh nặng của ai đó, cũng không muốn ai thấy những giọt nước mắt, hay tình trạng thê thảm khi tôi tập ngồi, tập đứng. Nếu chỉ có một mình, tôi sẽ vượt qua được sự nhút nhát mà đứng dậy, không sợ bị ai thương hại", Bế Thị Băng nói.
Trải qua hơn 1 tuần, sau những cú ngã nhớ đời, những lần lịm đi trên sàn nhà, cô cũng đứng dậy được 20 giây, tay vẫn phải bám vào bờ tường. Nước mắt giàn giụa, Băng thấy le lói hi vọng về một cuộc sống khác không phải trên chiếc xe lăn. Cô gái run run nhắn với tài xế gây tai nạn xin một đôi nạng gỗ.
Khoảng thời gian sau đó, Băng tập cho mình kỹ năng đi nạng gỗ. Cô dần di chuyển xung quanh nhà. Đi thành thục trên đường bằng, cô đặt mục tiêu cao hơn là phải đi lên được cầu thang.
2 tháng sau ngày tai nạn, Băng xin bác sĩ bỏ hậu môn nhân tạo bằng ca phẫu thuật đầy rủi ro mà cô phải ký giấy cam kết tự chịu hoàn toàn trách nhiệm. Trở về nhà, cô tự tay thiết kế cho mình một chiếc váy dài chấm gót, dò dẫm lên chuyến xe buýt quen thuộc trước đây cô vẫn đi.
Trước khi lên chuyến xe buýt để "tái hòa nhập cuộc sống", nữ bác sĩ chuẩn bị tâm lý sẵn rằng phải thật bình tĩnh dù mọi người có nói thế nào. Nhưng quả thực, những lời nói có sức sát thương lớn hơn cô nghĩ rất nhiều.
Thay vì nói: "Cô gái này chỉ còn một chân nhưng vẫn đi được xe buýt, cô ấy giỏi quá", nhiều người lại xì xào: "Trông xinh gái nhưng lại bị cụt. Tiếc thật". Chữ "tiếc" kéo dài như cứa vào nỗi đau khiến Bế Thị Băng bao đêm ướt gối.
Sau này, khi thấy cô đi giày cao gót, nhiều người lại nhỏ to: "Còn một chân mà không biết giữ gìn, đua đòi theo người khác?" hay "Sao lại hành hạ cái chân còn lại như vậy?". Song không ai biết rằng, từ ngày mất đi chân bên phải, chiếc giày cao gót vừa trở thành người bạn, vừa là mục tiêu để cô chinh phục.
Từng ngày một, cô gái trẻ tìm cách vực dậy tinh thần với suy nghĩ: "Quá khứ không thể thay đổi nhưng hiện tại thì có thể. Mình phải sống một cuộc đời thật vui vẻ với chiếc chân còn lại".
Năm 2013, một buổi sáng về quê được mẹ gọi dậy ngắm bình minh, Bế Thị Băng thấy bóng mình đổ dài trên bức tường thật đẹp. Cô buông đôi nạng gỗ, chống nhẹ một tay vào lan can, tay còn lại khẽ uốn uốn mềm mại. Băng nghĩ đến việc nhảy múa theo từng điệu nhạc.
Từ đây, Băng dần luyện đứng bằng một chân. Khoảng thời gian đứng bằng một chân cứ tăng dần lên, từ một vài phút, lên vài chục phút rồi cả tiếng. Giờ đây, Băng tự tin có thể đứng được 4-5 tiếng đồng hồ mà không cần nạng gỗ. "Chính vì vậy, nhiều người đã đặt cho tôi biệt danh "người phụ nữ đứng bằng một chân lâu nhất Việt Nam", Băng nói.
Khi đã đứng vững, Băng xem các video nhảy múa trên mạng rồi học theo. Khoảng sân thượng tầng 2 ngôi nhà ở Cao Bằng là nơi cô thường trốn mẹ lên đó tập múa. Cô học được cách giữ thăng bằng, lắc hông, nhảy hay xoay người chỉ với một chân nhưng cũng phải đánh đổi bằng vô số vết bầm tím ở mông hoặc tay chân.
Tìm thấy niềm vui với những vũ điệu, năm 2019, cô gây ấn tượng mạnh tại cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết. Băng giành giải quán quân, giải tài năng với tiết mục múa kết hợp vũ điệu Ba Tư, Ấn Độ và Flamenco (Tây Ban Nha).
Không chỉ biết nhảy múa, khiêu vũ, nhảy dây… Bế Thị Băng còn có thể bơi, đi xe đạp chỉ với một chiếc chân. Ba năm sau vụ tai nạn, bị mẹ phát hiện lấy trộm xe dựng ở sân nhà đi, cô bị mẹ mắng té tát vì "quá liều".
Tuy vậy, cô vẫn quyết tập đi xe lại. Giờ đây mỗi chiều cuối tuần, cô thường đạp xe ra công viên gần nhà ở Hồ Tây để ngắm cảnh, thư giãn.
Về sự nghiệp, sau khi xảy ra tai nạn ít năm, cô được bác sĩ người quen tạo điều kiện làm việc tại phòng khám trước đây. Sau này, cô cùng một người bạn mở phòng khám riêng, kinh doanh và dần ổn định cuộc sống.
Tình yêu cổ tích với giáo sư người Đức
Năm 2016, Băng tiễn bạn ra sân bay Nội Bài thì có một người đàn ông người Đức tên Oturak Be bắt chuyện, nhờ chỉ chỗ gọi taxi về trung tâm. Hai ngày sau, khi đang một mình dạo chơi ở Hồ Tây, cô lại vô tình chạm mặt người đàn ông ngoại quốc này. Cảm thấy có duyên, cả hai kết bạn và đi chơi với nhau nhiều hơn. Thời điểm gặp mặt, Băng mang chân giả nên Oturak chỉ nhìn thấy cô đi tập tễnh, bước thấp bước cao.
Vài ngày sau, dường như người đàn ông này mới biết cô chỉ còn một chân. Song, anh không tỏ ra quá ngạc nhiên. Chỉ đến khi Băng cho Oturak xem những video cô nhảy múa anh mới thực sự ngỡ ngàng.
"Khi tôi nói mình còn có thể làm nương rẫy, cưỡi ngựa và bơi, Oturak gần như không tin nổi đó là sự thực. Sau đó, tôi đã dẫn anh ấy đi bơi để chứng minh mình không "chém gió", nữ bác sĩ kể.
Cô gái hay cười, giàu năng lượng và thú vị Bế Thị Băng nhanh chóng khiến người đàn ông này si mê. Trở về nước, Oturak ngỏ lời yêu với cô bạn gái người Việt qua những dòng email và hứa sẽ trở lại Việt Nam nếu được Băng chấp nhận lời tỏ tình.
Tự nhận mình là người lạc quan sau cú sốc tai nạn nhưng đứng trước một người đàn ông, Bế Thị Băng vẫn cảm thấy tự ti. Cô từ chối lời tỏ tình của Oturak và bảo rằng mình không xứng đáng.
Ở nước Đức xa xôi, Oturak vẫn miệt mài biên những dòng thư thuyết phục: "Đôi khi khiếm khuyết cũng là một món quà và hãy biến nó thành món quà đẹp nhất. Em xứng đáng được nhận nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống".
Đọc những dòng thư, Bế Thị Băng càng xúc động. Cô nhớ lại những kỉ niệm vui vẻ của cả hai khi anh còn ở Hà Nội hay lên Cao Bằng, nhớ cảnh anh lúi húi lau giầy, lau chân giả hay cặm cụi ôm đôi nạng gỗ vệ sinh giúp cô… Bất giác cô tự hỏi, chẳng lẽ mình lại cứ khăng khăng bỏ qua cơ hội cho con tim. Hay cứ thử đồng ý xem anh ấy có dám sang Việt Nam lần nữa hay không?
Và quả nhiên 3 tháng sau, Oturak quay trở lại Việt Nam. Bế Thị Băng cũng dần mở lòng mình và cảm nhận được tình cảm chân thành của anh. Lúc này cô mới biết, bạn trai mình là giáo sư của một trường đại học lớn ở Đức chứ không chỉ là "giáo viên quèn" như anh từng giới thiệu.
Suốt quãng thời quen nhau, Oturak là người đem đến cho bạn gái nhiều năng lượng tích cực. Anh giúp Băng tự tin diện những chiếc váy ngắn gợi cảm thay vì những chiếc váy dài chấm gót chân. Cũng nhờ anh, cô bỏ được đôi chân giả để thoải mái di chuyển với đôi nạng gỗ mà không phải sợ người khác bàn tán, chỉ trỏ.
"Mẹ của Oturak bị tai nạn từ năm 26 tuổi và cũng phải gắn bó phần nhiều cuộc đời với nạng gỗ. Có lẽ vì thế, anh càng đồng cảm và yêu thương tôi hơn", Bế Thị Băng tâm sự.
Cuối năm 2017, cả hai đã đăng ký kết hôn và tổ chức một đám cưới ấm cúng ở Cao Bằng. Khoảng thời gian chờ Băng học tiếng Đức và hoàn thành thủ tục giấy tờ, Oturak thường xuyên đi về giữa hai quốc gia.
Sau này khi đã giành giải Hoa hậu Vầng trăng khuyết, Bế Thị Băng lại bận rộn với các hoạt động cộng đồng, các kế hoạch hỗ trợ những người không may bị mất chân tay và quỹ từ thiện của riêng mình nên cứ trì hoãn ngày định cư ở Đức.
"Anh ấy vì thế cứ năm lần bảy lượt dọa ly hôn. Tranh luận nhiều song anh ấy vẫn tôn trọng ý kiến của tôi. Anh ấy rất yêu thương vợ. Biết tôi khó có thể sinh con vì nguy hiểm đến tính mạng nên anh ấy chưa bao giờ khiến tôi thấy áp lực. Anh ấy chỉ mong tôi mạnh khỏe và sống một cuộc sống vui vẻ", Bế Thị Băng cười chia sẻ.
Mất đi một chiếc chân ở độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời, Bế Thị Băng tưởng chừng không giữ được mạng sống. Nhưng bằng nghị lực của mình, cô gái trẻ hết lần này đến lần khác làm nên những kỳ tích khó tin trong đời.
Không giới hạn cuộc sống của mình trên bốn góc giường, Bế Thị Băng tự tin bước ra cuộc đời, truyền cảm hứng cho vô số người khuyết tật. Cũng nhờ tự tin và bước đi trên chiếc chân còn lại, cô cũng đã tìm được trái ngọt tình yêu cho riêng mình.