Dân Việt

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Cần sửa một số điểm trong quy định 5K chống dịch Covid-19

Bạch Dương 09/03/2022 14:37 GMT+7
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM ngày 9/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị cần sửa quy định 5K cho phù hợp tình hình mới.
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Cần sửa một số điểm trong quy định 5K chống dịch - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo tại cuộc họp ngày 9/3. Ảnh: Việt Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn thành phố tăng cao trong những tuần qua, nhưng vài ngày gần đây, số ca mắc giảm nhẹ. Trong đó, số ca trở nặng, số ca tử vong đều ở mức thấp nhất và ổn định.

Trước việc biến chủng Omicron "tàng hình" chiếm ưu thế, ông Nên yêu cầu ngành y tế tìm hiểu sâu hơn để có những biện pháp ứng phó phù hợp, đồng thời triển khai chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao, trẻ em. Theo ông, nhóm người nguy cơ cao vẫn chiếm hầu hết số ca tử vong vừa qua, phải cố gắng bao phủ vaccine với nhóm đối tượng này và bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine Covid-19.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng lưu ý, ngành y tế cần xem lại hướng dẫn, quy định, các khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp. Trong giai đoạn "bình thường mới" hiện nay, các cơ quan, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Các trường học cũng đón học sinh đến học tập trung. Do đó, ngành y tế cần có quy định, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế, tránh tình trạng có hướng dẫn nhưng không thực hiện được.

Ông Nên dẫn chứng, quy định 5K hiện nay có một số điểm không còn phù hợp như quy định về khoảng cách, quy định không tập trung..., cần có điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện khả thi hơn.

Về số ca mắc Covid-19 trong trường học gia tăng, nhất là ở cấp tiểu học, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận xét, nguyên do có phần tổ chức cho học sinh ăn, ngủ tại trường không đảm bảo khoảng cách. Bất cập này phải được giải quyết dứt điểm, để hạn chế lây nhiễm cho học sinh.

"Các cháu ngủ nằm kiểu đó sao mà không lây, cần tính toán, phối hợp giữa y tế nhà trường, phụ huynh để có phương án phù hợp. Đây là chỗ khó, nhưng phải giải được bài toán này để hạn chế lây nhiễm, lây nhiễm càng nhiều nguy cơ nặng và tử vong khó giữ được như hiện nay", Bí thư Thành ủy lo lắng.

Ngoài ra, đối với thủ tục khai báo hiện nay dành cho F0, theo ông Nên, thủ tục phải ngắn gọn, thuận tiện cho người dân. Các địa phương, ngành y tế nỗ lực hỗ trợ người dân để người dân thấy được trách nhiệm, quyền lợi khi khai báo, tránh để tình trạng người dân mắc Covid-19 mà không khai báo.

Tại buổi giao ban, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu tiếp tục tập trung giám sát, cảnh báo dịch và có biện pháp phù hợp với tình hình, đặc biệt là trước diễn biến của biến thể phụ mới BA.2, vốn đang chiếm 65% các trường hợp mắc mới.

"Cần tránh hai thái cực – hoặc lơ là mất cảnh giác, hoặc lo lắng thái quá, gây bất an trong xã hội", ông Mãi nhấn mạnh.

Ngành giáo dục TP.HCM được giao chủ trì kiểm tra lại việc cập nhật bộ tiêu chí an toàn tất cả trường học trên địa bàn thành phố; tiếp tục rà soát công tác chuẩn bị, sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Ông Phan Văn Mãi cũng giao Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chậm nhất trong tháng 3/2022 phải cập nhật lại bộ tiêu chí an toàn, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa duy trì các hoạt động bình thường trong đời sống xã hội.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Cần sửa một số điểm trong quy định 5K chống dịch - Ảnh 3.

Gia tăng số F0 trong học sinh khối tiểu học. Ảnh: HCDC

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND TP.HCM phân công Sở Du lịch chủ trì, sớm đề xuất UBND TP.HCM làm việc với các doanh nghiệp về phục hồi, phát triển ngành du lịch. Cần rà soát, dự liệu các tình huống để có phương án xử lý trước ngày 15/3.

Liên quan đến đề nghị F1 cũng đi làm, ông Phan Văn Mãi gợi mở Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM cần nghiên cứu, vận dụng tinh thần này trong khi rà soát lại các bộ tiêu chí an toàn.

Đối với các F0 có vấn đề về sức khỏe thì phải chăm sóc sức khỏe, đảm đảo sức khỏe là trên hết và trước hết. Nếu F1 không có vấn đề về sức khỏe thì sẽ đi làm; với F0 không có triệu chứng, không có vấn đề về sức khỏe và tự nguyện thì duy trì làm việc phù hợp.

"Hiện nay, nhiều cơ quan có 30-50 F0, nếu cách ly 7-14 ngày thì rất bị động trong công việc. Cần tính toán để đảm bảo hoạt động các cơ quan, kể cả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các đơn vị, doanh nghiệp", ông Mãi nói.