Dân Việt

Thứ trưởng Bộ NNPTNT nói về triển vọng thu 50 tỷ USD nhờ bán các nông sản thế mạnh

Khánh Nguyên (ghi) 10/03/2022 12:31 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, 2 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là nền tảng để thực hiện tốt mục tiêu đề ra cho năm 2022: Xuất khẩu nông sản đạt 50 tỷ USD.

Thúc đẩy thị trường xuất khẩu nông sản, mở rộng sản xuất

2 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục thu được thành quả quan trọng, trong đó có xuất khẩu nông sản. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả này?

- Phát huy những kết quả khả quan trong năm 2021, 2 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục thu được những thành quả quan trọng trong bối cảnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh sau tết, giá phân bón, nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao; đặc biệt là giá xăng dầu tăng mạnh; thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài tại khu vực phía Bắc…

Mặc dù vậy nhưng toàn ngành tập trung hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp để đảm bảo tiến độ sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại, khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ, góp phần ổn định nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực.

Kết quả đạt được cụ thể ra sao, thưa Thứ trưởng?

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, lĩnh vực trồng trọt đạt tốc độ tăng trưởng 7,9%, sản lượng lương thực đạt 3,89 triệu tấn, tăng 12%; năng suất lúa đạt 59,9 tạ/ha, tăng 2,2%. 

Đối với thực phẩm, với quy mô đàn lợn 28 triệu con, đàn gia cầm 525 triệu con, đàn bò 9 triệu con, chắc chắn đảm bảo sản lượng thịt, trứng, sữa đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu.

Đối với lĩnh vực thủy sản, dù giá xăng dầu tăng nhưng hết 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác thủy sản đạt 1,2 triệu tấn, tăng 1,9%; trong khi đó, giá cá tra, giá tôm đang rất tốt, dư địa thị trường lớn nên mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2022 là 9 tỷ USD hoàn toàn có thể đạt được.

Ngành lâm nghiệp cũng ghi nhận những tín hiệu đáng mừng ngay từ đầu năm với kim ngạch xuất khẩu nhóm lâm sản chính đạt tới 2,9 tỷ USD, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất siêu gần 1,8 tỷ USD, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ NNPTNT trong thời gian qua?

- Trong công tác chỉ đạo điều hành phải nhận định đúng tình hình để đưa ra giải pháp hiệu quả, chỉ có xuất phát từ thực tiễn sản xuất thì mới đưa ra được những nhận định, giải pháp đúng và trúng.

Như các bạn đã biết, dịch Covid - 19 diễn biến rất phức tạp, với số lượng ca mắc tăng cao, trong khi giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng. 

Ví dụ, giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, thủy sản đã tăng đáng kể, như giá ngô tăng 53%, hiện đạt 8.000 đồng/kg; giá đậu tương tăng 57%, hiện đạt 16.000 đồng/kg. Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc còn gặp trở ngại.

Mục tiêu xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD năm 2022: Tìm thêm thị trường để giảm áp lực từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Việt Nam còn nhiều dư địa mở rộng xuất khẩu nông lâm thủy sản, nhất là sản phẩm chế biến. Ảnh: Nhà máy chế biến rau quả của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ (Sơn La). Ảnh: K.N

img

"Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT tiếp tục tháo gỡ khó khăn tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc; thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước…".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Trước thực tế đó, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng thị trường, Bộ NNPTNT cũng phối hợp Bộ Công Thương nỗ lực tháo gỡ những khó khăn ở thị trường Trung Quốc vì đây là thị trường xuất khẩu nông, lâm thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ những vướng mắc khi Trung Quốc thực hiện Lệnh 248, 249, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp viết thư, điện đàm cho Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường để tháo gỡ và phía bạn cũng cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ NNPTNT cũng đã có các văn bản chỉ đạo, thông tin truyền thông về Lệnh 248, 249, đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng vùng nuôi, đề nghị các địa phương đưa những sản phẩm đã đạt yêu cầu theo Lệnh 248, 249 lên các cửa khẩu để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ngoài 9 loại hoa quả và thạch đen đã được xuất khẩu chính ngạch, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ đàm phán xuất khẩu chính ngạch những sản phẩm Việt Nam có lợi thế sang Trung Quốc như sầu riêng, tổ yến…

Bộ NNPTNT đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng mở rộng thị trường để giảm áp lực với thị trường Trung Quốc. 

Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi đại sứ Việt Nam ở các nước để thúc đẩy thị trường, từ đó mở rộng sản xuất trong nước. 

Để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động. 

Thời gian qua, Bộ đã phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh và đã thu hút được nguồn vốn 10.000 tỷ đồng.

Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên lợi thế của từng vùng miền.

Gỡ khó cho xuất nhập khẩu với Nga

Mục tiêu xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD năm 2022: Tìm thêm thị trường để giảm áp lực từ Trung Quốc - Ảnh 4.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về lợi thế cũng như thách thức của ngành nông nghiệp trong năm 2022?

- Năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức vì thực tế đầu tư, gia cố cho trụ đỡ còn khiêm tốn, trong tổng số 530.000 tỷ đồng gói phục hồi phát triển kinh tế, lĩnh vực nông nghiệp chỉ được đầu tư 5.000 tỷ đồng cho khắc phục sạt lở bờ sông bờ biển, an toàn hồ đập.

Nhưng ngành nông nghiệp cũng đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường sau khi tham gia 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy nhanh xuất khẩu vào Mỹ, EU, mở rộng các thị trường ngách. Hiện một số ngành đã tỏ rõ lợi thế.

Ví dụ như ngành hàng cá tra, sau 3 năm giá xuống thấp thì hiện tại giá cá tra đã đạt 27.000 – 28.000 đồng/kg, có 87% sản lượng cá tra sản xuất theo chuỗi. Tôm cũng là một lợi thế khi nhu cầu từ Mỹ, Nhật Bản đang tăng. Ngoài ra, còn có lúa gạo, điều, tiêu , cao su…

Tuy vậy, trong bối cảnh giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào đang tăng cao, Bộ NNPTNT đang bàn với các hiệp hội ngành hàng đẩy mạnh sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế.

Ví dụ trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản, chúng ta có 150 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm, trong thời gian tới phải áp dụng công nghệ để tận dụng, biến thành thức ăn phục vụ chăn nuôi, thủy sản, giảm phụ thuộc nhập khẩu.

Thứ trưởng đánh giá chiến sự Nga - Ukraine ảnh hưởng lĩnh vực nông nghiệp thế nào?

Một khó khăn trước mắt là xung đột Nga - Ukraine có thể khiến việc giao hàng của doanh nghiệp khó khăn, thanh toán khó. Hiện, Việt Nam xuất khẩu các loại nông, lâm thủy sản sang Nga đạt khoảng 550 triệu USD trong khi nhập khẩu từ Nga khoảng 500 triệu USD.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trước mắt, Bộ NNPTNT sẽ bàn với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tìm phương thức thanh toán.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!