Tại phiên trù bị ngày 9/3, 100% đại biểu đã nhất trí bầu 26 người do Ban Chấp hành khoá XII giới thiệu vào Đoàn Chủ tịch Đại hội theo danh sách; nhất trí bầu Đoàn Thư ký Đại hội gồm 3 người theo danh sách; nhất trí với danh sách Ban thẩm tra tư cách đại biểu gồm 9 người theo danh sách.
Cũng tại phiên làm việc này, nội dung Chương trình và Quy chế Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã được các đại biểu thông qua.
Với chủ đề "Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước", Đại hội có nhiệm vụ đánh giá phong trào phụ nữ và hoạt động Hội 5 năm qua, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027.
Đại hội lần này có một số điểm mới như: Trong quá trình chuẩn bị, dự thảo Báo cáo chính trị được thảo luận, lấy ý kiến từ đại hội cấp huyện, sớm hơn một cấp so với các nhiệm kỳ trước. Các vấn đề, giải pháp mới đều có các nghiên cứu, chuyên đề triển khai trước khi xây dựng dự thảo văn kiện, để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp cho 5 năm tới.
Cùng với đó là tổ chức 5 trung tâm thảo luận song song nhằm tạo điều kiện cho các đại biểu được trao đổi, tham luận theo các chủ đề, đồng thời có nhiều thời gian để bàn luận về những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả phương hướng hoạt động trong 5 năm tới; các hoạt động bên lề hưởng ứng các phong trào lớn của đất nước...
Về phương hướng nhiệm kỳ 2022-2027, lần đầu tiên Đại hội xác định 5 quan điểm phát triển, có tính định hướng trong xây dựng toàn bộ phương hướng nhiệm kỳ mới và nhiều năm tiếp theo.
Một số hình ảnh về Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII:
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, diễn ra từ ngày 9 đến 11/3/2022 tại Hà Nội. Đại hội có 1.000 đại biểu chính thức là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho các lực lượng phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo và các lĩnh vực hoạt động khác nhau trong cả nước. Trong thành phần đại biểu có 35 đại biểu khối lực lượng vũ trang nhân dân (3,5%), 54 đại biểu là doanh nhân (5,4%), 83 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương (8,3%), 164 đại biểu đại diện cho 53 dân tộc thiểu số (16,4%), 41 đại biểu tiêu biểu các tôn giáo gồm Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa Hảo, Tin lành, Blamôn (4,1%).