Hai ngày qua, giá cà phê nhân Đắk Lắk đã tăng thêm 1.200 đồng/kg, sau khi rơi xuống dưới mốc 40 ngàn đồng.
Tại Cư M'gar (Đắk Lắk), cà phê Robusta sáng 10/3 được mua với giá 41.000 đồng. Tại huyện Ea H'Leo và TX.Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê nhân cũng được mua trung bình ở mức giá trên.
Tại các huyện Di Linh, Bảo Lộc, Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê Robusta được mua trung bình 40.400 đồng/kg.
Tại Đắk Nông, giá cà phê được mua trung bình 40.900 đồng/kg. Trong đó, cà phê nhân tại TP.Gia Nghĩa được mua cao hơn, đạt mức 41.000 đồng/kg.
Tại các vùng trọng điểm cà phê Robusta của Gia Lai như huyện Chư Prông, TP.Pleiku, huyện Ia Grai, giá cà phê hôm nay cũng tăng thêm hơn 1.000 đồng so với hôm 8/3. Hiện cà phê nhân xô tại các địa phương này được mua với mức 41.900 đồng. Đây cũng là mức giá đang được thu mua tại huyện Đắk Hà- vùng trọng điểm cà phê Robusta của tỉnh Kon Tum.
Như vậy, kể từ đầu tuần, cà phê Robusta tại Tây Nguyên đã có nhiều đợt tăng giá. Trong đó, ngày 9/3, cà phê Robusta có đợt tăng giá cao nhất với mức 1.000 đồng/kg.
Để có một vụ cà phê bội thu thì có thể nói việc chăm sóc cho cây giai đoạn đơm hoa, kết trái hết sức quan trọng. Theo các kỹ sư nông nghiệp tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, giai đoạn này quyết định cả về năng suất và chất lượng của cả vụ cà phê. Chính vì vậy mà hộ trồng cà phê phải nắm chắc kỹ thuật.
"Cây cà phê sẽ không ra hoa tại vị trí đã có trái mùa trước. Nên những cành này nên cắt bỏ để tập trung chất dinh dưỡng cho các cành khác. Các cành cây dự kiến sẽ ra hoa, kết trái vào đợt tới phải được hưởng ánh sáng tốt thì mới cho tỷ lệ đậu quả nhiều. Vì thế, nông dân cần chú ý cắt tỉa làm sao để toàn bộ cây cà phê được phân bố ánh sáng đều"- một kỹ sư nông nghiệp chia sẻ.
Kỹ sư này cũng cho biết, ngoài việc cắt tỉa cành thì nông dân cần am hiểu kỹ thuật "ép" nước để cà phê bung hoa. Chọn thời điểm tưới nước. Đồng thời bón đủ, bón đúng thời điểm các loại phân bón để phục hồi vườn cà phê sau thu hoạch và chuẩn bị cho mùa vụ tới.
Một câu hỏi thú vị được một số nông dân đặt ra là liệu có nên rửa tàn hoa cà phê? Trả lời câu hỏi này, một nông dân tại Ea Kar (Đắk Lắk) cho rằng, đây cũng là một kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.
Theo nông dân này, sau khi kết trái, trên cành cà phê sẽ còn sót lại rất nhiều tàn hoa. Tàn hoa này có thể mang theo nấm bệnh; che khuất ánh sáng của trái cà phê...
Vì thế việc xịt rửa tàn hoa cà phê sau khi hoa đã kết trái sẽ làm giảm bớt nấm bệnh trên cây. Bên cạnh đó, khi các cánh hoa khô bị trôi đi thì trái cà phê non sẽ được hưởng nhiều ánh sáng nên phát triển tốt hơn.
Một ưu điểm khác là việc rửa hết hoa khô thì khi chúng ta phun thuốc, phân bón lá... sẽ giúp cây hấp thụ tốt hơn, tránh lãng phí thuốc.
Tuy nhiên, theo nông dân này, việc rửa cà phê sau khi hoa kết trái cũng cần phải chọn đúng thời điểm và tùy theo từng vườn cây. Tốt nhất, nông dân nên rửa sau khi hoa cà phê nở đều được 25-30 ngày. "Không nên rửa lúc trái cà phê quá non. Đối với những vườn cà phê quá nắng, việc rửa hoa sớm sẽ khiến trái cà phê non dễ bị khô chết"- nông dân này chia sẻ.
Cũng theo nông dân này, sau khi áp dụng kỹ thuật nói trên, những năm qua vườn cà phê của ông luôn cho năng suất ổn định. Hạt cà phê to, đều, chất lượng khá tốt. "Do hạt trái cà phê non dễ bị tổn thương, nên để rửa các tàn hoa cà phê tốt nhất nông dân nên dùng béc tưới. Béc tưới sẽ phun đều trên các cây cà phê và nhẹ nhàng rửa trôi các tàn hoa"- nông dân này chia sẻ thêm.