Nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đang chật vật, loay hoay trước khó khăn do bão giá, trong đó, giá xăng và các chi phí đang liên tục leo thang. Lãnh đạo các hiệp hội, ngành hàng cũng xác nhận sau Covid-19, chưa bao giờ các doanh nghiệp đang gặp khó như hiện nay.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân - Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM đánh giá hiện các doanh nghiệp ngành dệt may TP.HCM lạc quan nhưng tình hình giá nguyên phụ liệu đầu vào lại rất bất ổn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Chẳng hạn, giá sợi cotton hai năm qua tăng 70%, giá nguyên phụ liệu trong nước tăng 40% và tình hình dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến khó lường.
Chưa dừng lại, theo bà Xuân, chi phí logistics cũng đang khiến các doanh nghiệp đau đầu. Đa số các doanh nghiệp dệt may là xuất khẩu nên sẽ phải chịu hai lần phí. Do đó, bà đề xuất gia hạn triển khai thu phí công trình kết nối hạ tầng, công trình tiện ích công cộng tại các khu vực cảng biển, xem xét cắt giảm lại một số mức thu phù hợp.
Phó Chủ tịch Hội dệt may Thêu đan TP.HCM cho rằng trước khó khăn chung hiện nay, nếu các chi phí như nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng vọt sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc giữ giá thành ổn định.
Trường hợp nếu các doanh nghiệp dệt may tăng giá bán thì thiếu tính cạnh tranh về giá thành, lợi thế để có các đơn hàng lớn tiếp theo rất khó khăn.
Ông Bùi Hữu Thiêm - Phó Tổng thư ký Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết, một trong những khó khăn của ngành gỗ trong bối cảnh hiện nay là giá nguyên vật liệu đầu vào.
"Giá xăng dầu tăng dẫn đến các nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng. Gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi bán hàng ra không đàm phán tăng giá được. Giá đầu vào thì tăng, nhưng giá đầu ra không tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp", ông Thiêm cho hay.
Ông cũng xác nhận năm 2022, logistics sẽ là một nỗi ám ảnh với ngành gỗ. Thị trường chính của ngành gỗ là Mỹ và EU. TP.HCM xuất đi bờ đông nước Mỹ thì giá container hiện nay có thể tăng gấp 10 lần. Ví dụ, trước đây khoảng trên 2.000 USD thì bây giờ có thể lên tới trên 20.000 USD. Điều đó ảnh hưởng rất lớn cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết đến nay, hầu hết doanh nghiệp công nghiệp đã khôi phục hoạt động với công suất trên 95%. Trong đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với 99,7% công suất, còn tất cả doanh nghiệp trong khu công nghệ cao đạt công suất 100%.
Xác nhận những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, để phần nào giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, năm 2022, thành phố sẽ tập trung triển khai các nội dung chính như kêu gọi đầu tư vào các trung tâm logistics, phối hợp triển khai hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng sẽ tăng cường hoạt động kết nối giữa doah nghiệp với ngân hàng, xem xét lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển, cung cấp thông tin về thị trường, chính sách thị trường một cách thuận lợi cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.