Hồng Phúc
Thứ ba, ngày 22/02/2022 12:05 PM (GMT+7)
Giá xăng tăng đẩy giá rau củ, hủ tiếu, bún riêu, phở tăng theo. Theo các tiểu thương, trước sức ép giá xăng tăng liên tục, giá các mặt hàng có thể cũng sẽ được điều chỉnh liên tục.
Giá xăng trong nước đang lập đỉnh kỷ lục sau kỳ điều chỉnh giá xăng dầu của liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều 21/2. Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 đã hơn 26.000 đồng, xăng E5 RON 92 hơn 25.500 đồng/lít. Giá xăng liên tục tăng và lập đỉnh đang khiến giá cả hàng loạt mặt hàng tăng theo.
Ghi nhận tại một số chợ truyền thống ở TP.HCM như chợ Bà Chiểu, chợ Thị Nghè, chợ Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), chợ Đa Kao, chợ Tân Định (quận 1), chợ Gò Vấp, chợ Xóm Mới (quận Gò Vấp)…, giá nhiều mặt hàng rau củ quả đã bắt đầu nhích tăng dần theo giá xăng.
Cụ thể, các loại rau xanh, rau ăn lá hầu hết tăng 5.000 đồng/kg so với thời điểm sau Tết. Cải thảo, bắp cải trắng hiện quanh ở mức 25.000 đồng/kg. Cải bẹ xanh, cải ngọt dao động từ 25.000-27.000 đồng/kg. Giá cà chua, su hào, cà rốt, súp lơ cũng tăng quanh 5.000-7.000 đồng/kg.
Chị Thủy - tiểu thương bán rau củ quả tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) - cho biết mức giá các loại rau, bắp cải, khổ qua thực tế đã tăng sau kỳ điều chỉnh giá xăng 10 ngày trước đó. Còn ngay sau Tết, giá các mặt hàng vẫn ổn định, thậm chí có giảm đôi chút vì qua cao điểm Tết.
"Chiều qua, xăng lại tăng giá. Mà xăng thì ảnh hưởng đủ thứ, nhất là chi phí vận chuyển. Chi phí vận chuyển, công cán tại vườn tăng, cộng thêm chi phí vận chuyển về TP.HCM, rồi về chợ lẻ nên vài ngày tới, có thể giá rau củ sẽ tăng nữa", chị Thủy nói.
Tại chợ Tân Định (quận 1), nhiều tiểu thương cũng cho biết thêm, họ choáng váng với giá xăng tăng ngày 21/2, bởi trước đó, giá nhiều loại thực phẩm đã tăng theo giá xăng rồi. Theo các tiểu thương, giá các mặt hàng hôm nay vẫn giữ so với trước nhưng ít ngày tới, nhiều khả năng sẽ điều chỉnh theo hướng tăng vì giá xăng đang lập đỉnh.
Không chỉ các chợ truyền thống, nhiều cửa hàng, quán ăn như cơm tấm, hủ tiếu, phở, bún riêu tại TP.HCM cũng đã điều chỉnh giá bán theo hướng tăng vài nghìn đồng mỗi phần ăn.
Tình hình sau Tết cộng với giá xăng tăng vọt càng khiến nhiều nhà hàng, quán ăn tăng giá bán.
Đơn cử, quán Phở Việt Nam trên đường Trần Quốc Toản (quận 3) đã cập nhật menu giá mới, giá mỗi tô phở các loại tăng thêm 5.000 đồng. Quán cơm tấm vỉa hè trên đường Hai Bà Trưng (quận Phú Nhuận) cũng tăng thêm 5.000 đồng mỗi phần ăn.
Chị Hoa - chủ quán hủ tiếu có tiếng trên đường Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh) - vốn rất giữ khách, các năm trước đều quyết không tăng giá sau Tết nhưng năm nay cũng phải tăng thêm 3.000 đồng/tô, vì chi phí nào cũng tăng theo giá xăng dầu.
Sau khi tăng, giá tô hủ tiếu bình thường ở quán chị là 38.000 đồng, tô đặc biệt 48.000 đồng, chất lượng không thay đổi như nhiều năm qua. Trong khi nhiều cửa hàng khác tăng 5.000 đồng mỗi phần ăn thì chị chọn cách tăng "không giống ai" là 3.000 đồng. Cách tăng này khiến chị gặp khó trong việc thối tiền lẻ cho khách.
Theo chị, dịch bệnh khó khăn, khi tăng giá chị rất đắn đo, hiểu cho khách, nên quyết định chỉ tăng 3.000 đồng. Nhưng nếu không tăng thì không được, bởi mỗi ngày, cứ mở quán là đối mặt nhiều chi phí tăng vọt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.