Trong phiên giao dịch sáng nay (10/3, giờ Việt Nam), dầu WTI tăng 2,22 USD/thùng tương ứng 2,04% lên mức 110,92 USD/thùng; dầu Brent giảm 16,84 USD/thùng tương ứng 13,16% xuống mức 111,14 USD/thùng.
Trước diễn biến trên, giới chuyên môn nhận định, vào kỳ điều chỉnh giá ngày mai (11/3), giá xăng dầu có thể tăng mạnh ở mức từ 3.800 đến 4.800 đồng/lít, tùy loại. Tuy nhiên, do từ ngày 8/3, giá bán ra trong nước đang âm rất lớn nên các chuyên gia, doanh nghiệp chưa xác định được khả năng cơ quan quản lý sẽ tăng giá như thế nào?
Trước thông tin trên, tại nhiều cây xăng ở TP.Hà Nội, người dân đổ xô đi mua xăng dầu. Theo ghi nhận của PV và phản ánh của đại diện các cây xăng, lượng người mua hàng đã tăng mạnh từ chiều nay (10/3). Đến thời điểm 21h tối, đa phần các cây xăng vẫn có lượng khách mua hàng rất lớn.
Tại một số điểm bán xăng dầu lớn dọc trục đường trên địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Mỹ Đình,… xuất hiện hàng trăm xe máy, ô tô nối đuôi nhau xếp hàng chờ đổ xăng.
Chị Nguyễn Hương Trà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, với mức tăng dự kiến khoảng 3.000 – 4.000/lít, chi phí tiền xăng trong tháng của gia đình sẽ tăng đột biến. Do đó, chị Trà lựa chọn đổ xăng để tiết kiệm "được đồng nào hay đồng ấy".
"Với chiếc xe Vespa đang đi, khi giá xăng ở mức 24.000 – 25.000 đồng/lít, tôi đã phải đổ khoảng hơn 100.000 đồng mới có thể tạm đầy bình. Nếu giá xăng tăng vài trăm đồng tôi cũng không để ý lắm. Nhưng nếu tăng tới 30.000 đồng/lít như báo chí đưa tin, mỗi lần tôi sẽ mất thêm khoảng 20.000 – 30.000 đồng. Chưa kế điều lo ngại nhất là giá xăng sẽ kéo các mặt hàng khác tăng theo", chị Trà bày tỏ.
Về nguồn cung xăng dầu, đại diện một doanh nghiệp đầu mối và bán lẻ xăng dầu ở TP.Hà Nội cho biết, nguồn cung vẫn còn thiếu hụt. Để cân đối và duy trì nguồn hàng cho người tiêu dùng, doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ.
Nguyên nhân là do, doanh nghiệp đầu mối chỉ cấp sản lượng đã đăng ký theo số bình quân 3 tháng gần nhất, doanh nghiệp phân phối muốn lấy thêm cũng không có. Do đó, đơn vị kinh doanh rơi vào tình trạng, muốn nhập nhưng không có hàng, hoặc nhập được ít và chiết khấu về 0, bán ra lít xăng, dầu nào lúc này đều bị lỗ.
Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên Công văn số 1155/BCT-TTTN vừa được ký và gửi UBND các tỉnh, thành phố. Theo đó, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu, các địa phương chủ động có phương án bảo đảm và công khai nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trên địa bàn trong thời gian tới.
Giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn.
Đặc biệt công văn nhấn mạnh, trước tình hình khó khăn về nguồn cung và giá xăng dầu biến động mạnh như hiện nay. Nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Cũng trong hôm nay (10/3), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH) khai mạc phiên họp thứ 9, đợt 1 (từ ngày 10/3 đến 16/3). Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ QH quyết định tổ chức chất vấn đối với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên về việc điều hành thị trường xăng dầu.