Đầu tháng 3/2022, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cho biết, đơn vị này sắp tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Theo kế hoạch, sẽ có 55 dự án được mời gọi đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 285.000 tỷ đồng (tương đương 12,4 tỷ USD).
Các dự án bao gồm: Hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và văn hóa - thể thao.
Tại hội nghị cũng sẽ diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ đầu tư gồm 16 dự án đăng ký với tổng giá trị 54.094 tỷ đồng. Cụ thể, một số dự án sẽ được ký kết như: Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ đầu tư khu dân cư 6-4 tại khu đô thị Tây Bắc với tổng mức đầu tư dự kiến 2000 tỷ đồng; Tập đoàn Surbana Jurong đầu tư khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái nhà vườn tại xã Trung An (Củ Chi) tổng mức đầu tư 25.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Văn Lang với dự án Khu đô thị đại học mức đầu tư 15.000 tỷ đồng; Công ty TNHH Aeon Việt Nam với hệ thống thương mại; Tập đoàn Consumer với nhà máy giết mổ gia súc và hệ thống phân phối…
Thông tin về hội nghị xúc tiến đầu tư tại Củ Chi và Hóc Môn được giới chuyên gia đánh giá là tin vui, làm "sống dậy" thị trường nhà đất tại đây - vốn đã bị "ngủ đông" vì dịch Covid-19.
Theo chuyên gia, khu Tây Bắc TP.HCM (huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và quận 12) có ưu thế về quỹ đất rộng. Tuy nhiên, dù rất tiềm năng song so với nhiều khu vực khác của TP.HCM thì Củ Chi và Hóc Môn vẫn chậm nhịp hơn rất nhiều về phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Quyết Thắng - Bí thư Huyện ủy Củ Chi chia sẻ, các dự án hạ tầng giao thông như Vành đai 3, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, đường ven sông Sài Gòn… sẽ giải quyết bài toán giao thông kết nối khu vực với trung tâm TP.HCM.
Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đã từng có các đề xuất nghiên cứu bổ sung quy hoạch "thành phố Tây Bắc" trên cơ sở không gian huyện Củ Chi - huyện Hóc Môn hiện nay, để định hướng phát triển đô thị bền vững, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đánh giá với những nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn thì tiềm năng của thị trường Tây Bắc TP.HCM hiện nay đang rất lớn. Đặc biệt, với quỹ đất rộng lớn và giá bán còn khá thấp thì đây là thị trường lý tưởng cho những nhà đầu tư có số vốn khiêm tốn.
Thị trường tạo sóng ngầm
Khảo sát của PV Dân Việt, thông tin sắp thành lập TP.Củ Chi và hội nghị kêu gọi đầu tư tại địa phương đã làm giá nhà đất tăng nhiệt. Không ít công ty, môi giới đã dựa vào thông tin này để quảng bá bán hàng. Nhiều người dân cũng tranh thủ rao bán đất ở, nhà xây sẵn, đất nông nghiệp với giá cao hơn 10-15% hoặc nhiều hơn thế. Vì đa số là đất trong dân nên xuất hiện tình trạng một mảnh đất mà được rao nhiều mức giá khác nhau từ chủ đất cho đến môi giới.
Dù không diễn ra rầm rộ, chưa đến mức "sốt" nhưng thị trường Củ Chi, Hóc Môn đang "nóng" dần. Làn sóng mua bán đã khá nhộn nhịp. Nhiều người từ các quận, hoặc các địa phương khác đã tranh thủ đi thực tế để săn đất rẻ nhằm mục đích đón sóng.
Chị Trần Mỹ Kiều (một nhà đầu tư bất động sản) cho biết, nếu những thông tin về quy hoạch hành chính, dự án đầu tư… được hoàn thành thì giá đất Tây Bắc sẽ "nóng hổi" không khác gì Cần Giờ trước đây. Bởi vậy, tranh thủ lúc này, đất còn chưa bị đẩy giá lên quá cao, chị và bạn bè đã đi thực tế để tìm mua. "Kinh nghiệm của tôi là không nên mạo hiểm, chọn mua đất có sổ, lên thổ cư đàng hoàng. Mua xong tôi để đó một thời gian, chờ đất tăng giá rồi bán sang tay chốt lời", chị Kiều nói.
Theo chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh, TP.HCM hiện còn 3 quỹ đất là "của để dành", gồm có: Bình Chánh, Cần Giờ và Củ Chi. Trong khi Bình Chánh đã khá phát triển, Cần Giờ nhiều lần sốt đất và cũng có quy hoạch các đại đô thị lớn thì Củ Chi vẫn được xem như "vùng trũng".
Tuy nhiên, trong thời gian tới "vùng trũng" này sẽ là thị trường bất động sản đáng để cho các nhà đầu tư cân nhắc bởi còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Thứ nhất, Củ Chi có thế mạnh đặc biệt bởi quỹ đất còn rất rộng lớn và giá bán đang rất rẻ. Giá đất nông nghiệp ở Củ Chi nhiều khu vực chỉ vài trăm nghìn một mét vuông.
Trong lịch sử phát triển các đô thị, thành phố thường ưu tiên phía Đông, Đông Nam trước sau đó sẽ đến hướng Tây, Tây Bắc. Hiện nay, phía Đông và Nam của TP.HCM gần như đã phát triển hoàn thiện do đó phía Tây Bắc với huyện Củ Chi sẽ là hướng phát triển được TP.HCM chú trọng sắp tới.
Kế đến, cơ sở hạ tầng kết nối giữa TP.HCM với khu vực Tây Bắc đang được TP quan tâm đầu tư. Đáng chú ý nhất là tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có chiều dài 50km quy mô 8 làn xe. Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư 15.900 tỷ đồng dự kiến sẽ xây dựng trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuyến cao tốc này sẽ là mạch nối lưu thông hàng hoá từ Tây Bắc về TP.HCM xuống Đồng Bằng sông Cửu Long và ngược lại.
Thêm vào đó, với quỹ đất lớn, giá rẻ và có bệ đỡ cơ sở hạ tầng giao thông thì Củ Chi là thị trường màu mỡ với mọi doanh nghiệp đầu tư bất động sản. Xu hướng phát triển đô thị vệ tinh, thành phố thông minh, thành phố sinh thái đang nở rộ. Từ những dự án vài chục ha đến hàng trăm ha bây giờ đã có những dự án án lên đến hàng nghìn ha. Khi những đại đô thị này hoàn thành sẽ làm "lột xác" cả một khu vực.
Với những thế mạnh như trên, ông Chánh cho rằng, một nhà đầu tư với số vốn không quá lớn nhưng có tầm nhìn dài hạn (ít nhất 3 – 5 năm) thì lựa chọn đầu tư vào Củ Chi là thích hợp.