Dân Việt

300 bác sĩ trẻ về trạm y tế ở TP.HCM: Y tế cơ sở phải tăng ca mới hết việc (bài 1)

Bạch Dương 11/03/2022 15:43 GMT+7
Lần đầu tiên, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai đưa các bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp về thực hành, tăng cường cho y tế cơ sở. Đây là bước gỡ nút thắt đầu tiên cho những lỗ hổng của trạm y tế xã, phường sau làn sóng dịch Covid-19 nặng nề vừa qua.
300 bác sĩ trẻ về trạm y tế: Bài 1: Y tế cơ sở phải tăng ca mới hết việc - Ảnh 1.

Trạm y tế phường 11, quận 5 có 5 nhân viên phải phụ trách sức khoẻ 11.000 dân. Ảnh: B.D

Khối lượng công việc khổng lồ

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy sự quá tải về y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở. 

Dù vậy nhưng cả hệ thống đã nỗ lực hết mình, cùng với lực lượng chi viện không quản ngại khó khăn, làm cả ngày và đêm để đáp ứng công tác phòng chống dịch.

Hiện dịch đã được kiểm soát, y tế cơ sở đã dần khôi phục và trở lại chức năng thường quy như trước đây nhưng khối lượng công việc rất lớn, thậm chí khổng lồ.

"Với khối lượng công việc lớn, biên chế còn hạn hẹp, anh em y tế cơ sở đã cố gắng chia sẻ, tăng ca, thậm chí một người phải đảm đương nhiều vị trí, chức năng nhiệm vụ thì mới làm hết các việc ở y tế cơ sở", ông Dũng chia sẻ.

Ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, theo quy định hiện nay, mỗi trạm y tế chỉ có 5-10 nhân viên y tế. Do đó, trong đợt dịch vừa qua, y tế cơ sở đã không thể đáp ứng hết việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo ông Tấn, với số lượng nhân viên y tế ít ỏi theo quy định thì chỉ phù hợp với địa bàn phường, xã có 6.000 - 20.000 dân. Tuy nhiên, với dân số tại TP.HCM rất đông, hầu hết các phường, xã có trên 50.000 dân, thậm chí có nơi trên 100.000 dân.

"Từ thực tế đó, TP đã nghiên cứu và đề xuất các bộ ngành liên quan theo hướng mỗi trạm y tế có ít nhất 10 nhân viên y tế/20.000 dân. Khi thêm 2.000 - 3.000 dân thì cần 1 nhân viên y tế để phù hợp với cơ cấu dân số của từng địa phương", ông Tấn nói.

Bác sĩ Phạm Hoàng Phước, Trưởng trạm y tế phường 11, quận 5 cho biết, thực tế trạm chỉ có 5 nhân viên chính thức và 1 bác sĩ cơ hữu, phải phụ trách 11.000 dân nên áp lực quá tải là không tránh khỏi. Mặc dù đỉnh dịch đã qua nhưng áp lực cho nhân viên y tế không hề giảm bớt, bởi họ phải thực hiện tất cả các công việc vốn bị "bỏ quên" trong đại dịch như phòng chống dịch, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, theo dõi, chăm sóc F0 cách ly tại nhà…

"Mặc dù không còn ở đỉnh dịch nhưng anh em chúng tôi vẫn ngập đầu với công việc, thường 7-8h tối hàng ngày mới xong hết việc. Với số dân trên địa bàn phường hiện nay, trạm phải có 8-10 nhân sự mới đảm đương hết được công việc", bác sĩ Phước chia sẻ.

300 bác sĩ trẻ về trạm y tế: Bài 1: Y tế cơ sở phải tăng ca mới hết việc - Ảnh 3.

Nhân viên trạm y tế phường đến nhà lấy mẫu cho F0. Ảnh: B.D

Chỉ có khoảng 60% trạm y tế triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, hiện nay, Bảo hiểm xã hội đang triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 178 trạm y tế cơ sở, chỉ chiếm khoảng 60% tổng số trạm của TP.

Trong đó, số thẻ bảo hiểm đăng ký ban đầu hiện nay chỉ trên 9.000 thẻ, chiếm 0,11% số thẻ. Năm 2021, số lượt khám chữa bệnh tại trạm y tế chỉ khoảng 114.000 lượt, chiếm khoảng 0,9% số lượt khám chữa bệnh.

Nói về nguyên nhân người dân không "mặn mà" việc khám chữa bệnh tại các trạm y tế, ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng do sự thiếu hụt về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tại các trạm.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc hiện tại ở các trạm chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh. "Bà con khi khám ở bệnh viện tuyến 2, tuyến 3 với các bệnh mãn tính ổn định, khi về trạm y tế với danh mục hơn 200 loại thuốc thì chỉ đáp ứng một phần nhỏ", ông Dũng nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết thời gian tới, ngành y tế sẽ phối hợp Bảo hiểm xã hội TP tăng cường phòng khám đa khoa vệ tinh của các bệnh viện quận huyện đặt tại các trạm y tế và các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

300 bác sĩ trẻ về trạm y tế: Làn sóng mới cho y tế cơ sở (bài 2)