Nguy cơ "vỡ trận" tại trạm y tế, Đà Nẵng tăng cường sinh viên hỗ trợ
Nguy cơ "vỡ trận" tại trạm y tế, Đà Nẵng tăng cường sinh viên hỗ trợ
Diệu Bình
Thứ năm, ngày 10/03/2022 15:11 PM (GMT+7)
Trước tình hình quá tải tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn TP Đà Nẵng do số ca tăng cao, ngành y tế địa phương đã có phương án tiếp nhận thêm các tình nguyện viên thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch.
Tại trạm y tế lưu động phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), cùng các bác sĩ, y sĩ, các sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam đang nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các em sẽ thực hiện khai báo y tế, hướng dẫn thủ tục cách ly, xác nhận các ca F0, thủ tục hành chính về việc hoàn thành điều trị, theo dõi các ca F1, F0, test Covid-19.
Em Lê Vũ Kim Cúc, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam chia sẻ : "Mình thấy rất vui vì được giúp đỡ mọi người. Đi thực tập như thế này sẽ có nhiều kinh nghiệm. Nói không sợ thì không đúng nhưng mình lạc quan, truyền năng lượng tích cực để mọi người không sợ dịch bệnh".
Thời điểm hiện tại, quận Liên Chiểu đã thành lập 25 trạm y tế lưu động thực hiện công tác quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên địa bàn có các khu công nghiệp lớn, tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng với số lượng sinh viên đông, số lượng F0 phát hiện ngày càng nhiều, trung bình khoảng 1000 – 1500 ca/ngày, hệ thống y tế gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc bổ sung các em sinh viên về các trạm là rất cần thiết.
Ông Trần Thanh Trình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam cho biết, nhà trường đã bàn giao 50 sinh viên tham gia hỗ trợ tại các trạm y tế lưu động, đã có một số đơn vị cũng liên hệ, đề nghị hỗ trợ lực lượng chống dịch, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức cho sinh viên tham gia, chia sẻ khó khăn cùng thành phố, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
"Cũng biết công việc tại các trạm là rất vất vả, nhất là hồ sơ ứ đọng, nguy cơ tiếp xúc F0 rất cao, các em tinh thần xông pha, đặc biệt là cơ hội để các em tiếp xúc thực tế, đóng góp cho cộng đồng, địa phương".
Theo Bác sĩ CKI Trần Viết Tiến, PGĐ Trung tâm y tế quận Liên Chiểu, đối với các sinh viên tham gia hỗ trợ các trạm y tế lưu động, nhà trường sẽ phối hợp với trung tâm y tế để tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em vừa đảm bảo chương trình thực tập, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, cũng như quan tâm theo dõi, động viên kịp thời tinh thần các em.
"Trên tinh thần đào tạo cầm tay chỉ việc, có người hướng dẫn khi nắm được việc mới giao nhiệm vụ, giúp nắm vững kiến thức cần có trong quản lý F0 tại nhà. Như thế mới thực hiện tốt nhiệm vụ, giúp đỡ đắc lực cho nhân viên y tế".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.