Kể từ cuối tháng 12/2021 đến nay, giá xăng đã có 7 lần liên tục tăng mạnh và lập đỉnh gần 30.000 đồng/lít vào ngày 11/3 vừa qua. Qua đó, giá nhiều hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, gas và nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất đã tăng lên.
Tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.Hà Nội như Mỹ Đình, Cầu Giấy, Nghĩa Tân,… giá nhiều mặt hàng thực phẩm tiếp tục "neo" ở mức cao. Cụ thể, bắp cải tăng từ 7.000 - 18.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 - 15.000 đồng/mớ.
Các loại rau khác như rau ngót, cải canh tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng hiện có giá 8.000 - 10.000 đồng/mớ. Giá thịt lợn, cá, tôm cũng tăng nhẹ, hiện thịt nạc vai 150.000 đồng/kg, thịt sấn 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước. Gà ta nguyên lông cũng tăng 10.000 đồng/kg, với giá bán từ 130.000 - 150.000 đồng/kg.
Theo chị Liêm, tiểu thương tại chợ Mỹ Đình chia sẻ, dù đã trải qua nhiều biến động, tuy nhiên, lần tăng giá xăng này khiến giới kinh doanh "không đỡ nổi". Cụ thể, hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống vốn đã nhiều khâu trung gian, cộng thêm việc giá xăng tăng, việc kìm giá sẽ rất khó khăn.
"Hôm trước giá xăng tăng, hôm sau thương lái tăng giá các loại thịt, rau ngay. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không dám tăng giá quá cao, chỉ trong khoảng 5 – 10% mỗi mặt hàng. Điều quan trọng là mặt bằng giá quá cao, ước tính lượng bán ra giảm tới 30 – 40%. Trung bình người dân mỗi khi đi chợ sẽ mua khoảng 7 lạng đến 1kg thịt nhưng giờ chỉ khoảng 4 – 5 lạng", chị Liêm chia sẻ.
Không chỉ thực phẩm, thời gian gần đây, giá gas bán lẻ cũng tăng 3.500 – 4.000 đồng/kg, tương đương khoảng 42.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 524.500 đồng/bình 12kg, 1.965.000 đồng/bình 45kg, 2.184.500 đồng/bình 50kg...
Việc xăng, gas giá kéo theo nhiều loại nguyên, nhiên liệu khác tăng theo đã khiến các chủ đơn vị kinh doanh ăn uống lao đao bởi chi phí "đội" lên cao. Anh Lê Hòa, chủ một hệ thống nhà hàng tại Dương Đình Nghệ (Hà Nội) cho biết, trung bình một cơ sở sử dụng khoảng 10-15 bình gas loại 12kg/tháng.
Theo tính toán của anh Hòa, với mức giá hiện tại, hệ thống nhà hàng phải chi thêm từ 7-10 triệu đồng tiền gas/tháng. Ngoài ra, hàng loạt chi phí đầu vào và các nguyên liệu cũng liên tục tăng theo trong thời gian qua. Trong khi đó, dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến lượng khách hàng giảm, doanh thu tụt dốc không phanh.
"Giá cả thị trường tăng nhưng ít khách nên chúng tôi phải liên tục giảm giá, khuyến mại. Khoảng nửa tháng nay, lượng ca nhiễm tăng mạnh, thậm chí có tới một nửa số nhân viên là F0, chưa lúc nào xoay xở vất vả như lúc này. Doanh thu của hệ thống chắc chỉ đạt chưa được 50%", anh Hòa chia sẻ.
Nhận định về tình trạng trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, việc các mặt hàng tăng theo giá xăng là tất yếu. Tuy nhiên, đối với mặt hàng rau củ quả, việc tăng giá còn do điều kiện thời tiết không thuận lợi thời gian qua khiến sản lượng giảm.
"Cách nói giá hàng hóa "té nước theo mưa" với giá xăng chỉ đúng một phần. Thời tiết đã dần ấm lên, sản lượng rau tăng, giá sẽ "dịu" bớt. Ví dụ khác là về thịt lợn, giá lợn hơi ở mức thấp, thậm chí liên tục giảm, trong khi giá bán lẻ vẫn cứ "bảo thủ". Như vậy, không thể đổ tại tất cả cho việc giá xăng được.
Giải pháp hiện tại cần làm ngay nằm ở việc tổ chức hệ thống phân phối, cắt bớt khâu trung gian. Hạ giá xăng bằng cách giảm các loại thuế phí đang chiếm tới hơn 40%, ngoài ra, việc tổ chức quản lý thị trường là rất quan trọng. Cần yêu cầu kê khai giá với các đơn vị bán giá quá cao, tăng giá bất hợp lý và có chế tài xử phạt", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,2% so với tháng 12/2021. Theo cơ quan này, nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.